Ngày 18/7, tại hội thảo về “Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TPHCM”, đại diện NXB Giáo dục đã trình bày giải pháp trường học hiện đại Inschool, trong đó có dùng sách giáo khoa (SGK) điện tử.
Theo nhà xuất bản này, sách điện tử Class Book là máy tính bảng chứa toàn bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ của chương trình phổ thông, đúng theo yêu cầu khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Máy cung cấp nội dung đa phương tiện cho các môn học, kho dữ liệu, phim tài liệu hỗ trợ học tập kèm theo hệ thống làm bài tập trắc nghiệm. SGK điện tử còn giúp nâng cao mức độ tương tác thông qua chia sẻ màn hình giữa học sinh với giáo viên, học sinh với học sinh…
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng SGK điện tử Class Book còn nhiều chữ, dấu chưa rõ nét, độ sáng chưa phù hợp. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục TP HCM cho rằng các ứng dụng cần phải được Việt hóa hoàn toàn, một số bản đồ chưa chuẩn…
Còn theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục quận Tân Phú, sách điện tử mà có nhiều hình ảnh tĩnh như sách giấy thì không nên. “Theo tôi, cần tăng cường thêm các hình ảnh trực quan, sống động. Bên cạnh dùng sách điện tử cần kết hợp các phương pháp truyền thống vì dùng máy lâu sẽ ảnh hưởng đến thị lực các em”, ông Khiêm nêu quan điểm.
Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc học sinh tiểu học khó bảo quản được máy, máy có bền, an toàn không và đề nghị cần phải có nghiên cứu khoa học ở độ tuổi nào thì sử dụng máy phù hợp. Hơn nữa, ở tiểu học, việc rèn luyện chữ viết là rất quan trọng, điều này không thể thực hiện trên máy móc nên không thể bỏ phương pháp giáo dục truyền thống.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng lo ngại về kinh phí thực hiện, đào tạo giáo viên tham gia đề án… Trong đó, bà Lê Thị Bình, Phó phòng Giáo dục quận 1 băn khoăn: "Quận 1 là quận trung tâm nhưng không phải phụ huynh nào cũng có thể mua SGK điện tử cho con. Như vậy sẽ có lớp có lớp không, có em được học, em không. Như vậy sẽ tạo cho phụ huynh và các em cái nhìn về sự không công bằng trong giáo dục".
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, giám đốc Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục tại TPHCM cho rằng đề án này chưa làm rõ tại sao phải bỏ cả nghìn tỷ để thực hiện, phụ huynh, học sinh, giáo viên và xã hội được lợi gì? Qua đề án chỉ mới thấy được thay đổi phương tiện từ sách giấy sang sách điện tử chứ chưa thấy được đổi mới nội dung SGK như thế nào. Ông Phúc cũng cho biết thêm, do Sở Giáo dục TPHCM chưa trình đề án lên Bộ Giáo dục nên Bộ chưa thể bày tỏ quan điểm được.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, Phó chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, đề án này xuất phát từ cuộc gặp gỡ hồi đầu năm của UBND TP với các học sinh. "Có em nói rằng đi học phải mang cặp quá nặng. Tôi thay mặt lãnh đạo TP có hứa với phụ huynh và các em là sẽ giao Sở Giáo dục nghiên cứu để làm sao các em đi học chỉ mang một cuốn sách thôi”, ông Thuận nói.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch TP HCM cũng cho rằng không thể bỏ phương pháp giáo dục truyền thống vì ở lứa tuổi này việc rèn luyện chữ là rất quan trọng, điều này không thể thực hiện trên máy móc. Đây là hội thảo lần đầu nên chưa thể đánh giá, kết luận được. “Đề án cần được tiến hành lấy ý kiến phụ huynh, học sinh vào đầu năm học 2014-2015. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục phải tiếp thu để hoàn thiện hơn”, ông Thuận chỉ đạo.
Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, ngoài phần mềm SGK điện tử của NXB Giáo dục, cần kêu gọi các cá nhân, tổ chức khác tham gia viết phần mềm. Không nên độc quyền mà phải sử dụng phần mềm nào được xã hội lựa chọn. Ông Hỷ cũng cho rằng, sách điện tử không mới, quan trọng là nội dung sách. “Chúng ta cần tạo ra một thế hệ học sinh có hứng thú với công nghệ. Ví dụ làm sao để các em muốn biết con robot chạy cần có lập trình thế nào, tức là hướng đến giáo dục sáng tạo, tìm tòi. Do đó, tôi cho rằng thay vì thí điểm công nghệ trong giáo dục nên thí điểm giáo dục hướng đến công nghệ”, ông Hỷ nêu ý kiến. |
Phan Linh