Tốt nghiệp với số điểm 3,63/4, Nguyễn Thị Tố Uyên (ĐH Công nghiệp Hà Nội) nằm trong số 132 thủ khoa xuất sắc được thành phố Hà Nội vinh danh. Mới nhận bằng tốt nghiệp gần một tuần nhưng Uyên đã đi làm từ tháng 6. Cô hiện là nhân viên chăm sóc khách hàng cho một doanh nghiệp với mức lương hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Trước đó, dù nộp hồ sơ vài nơi nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên cô không được ứng tuyển vị trí kế toán.
Tân thủ khoa có nguyện vọng vào làm cơ quan nhà nước vì môi trường ổn định, lại có thể sắp xếp được thời gian học cao học. Biết được chính sách thu hút thủ khoa của thành phố Hà Nội, Uyên cũng muốn tìm cơ hội nhưng chưa biết cơ quan nào cần tuyển để làm đơn. Dù đạt được nguyện vọng hay không, Uyên cũng dự định thời gian tới tìm việc phù hợp với chuyên ngành kế toán.
"Công việc em đang làm có thể phát huy khả năng giao tiếp, vốn tiếng Anh nhưng kiến thức về kế toán, thực hành kế toán em học trong trường vẫn còn nguyên, không tận dụng được dần sẽ mai một", Uyên chia sẻ.
Dù tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học tầm trung hay có danh tiếng, nhiều thủ khoa ra trường cũng loay hoay tìm việc. Theo Tố Uyên, danh hiệu thủ khoa là kết quả quá trình nỗ lực của bản thân suốt 4 năm học chứ chưa chắc là người giỏi nhất, ra ngoài xã hội tìm việc thì cơ hội được chia đều như các cử nhân khác. Nhà tuyển dụng chỉ quan tâm kết quả công việc chứ không biết bạn là ai. Nhiều khi chính danh hiệu đó tạo áp lực cho thủ khoa nếu không làm tốt việc.
Sau lễ vinh danh, thủ khoa Nguyễn Thanh Thủy (HV Hành chính quốc gia) đã cất bằng khen và kỷ niệm chương để tiếp tục công cuộc tìm kiếm việc làm và đi học thêm tiếng Anh. Khi còn là sinh viên, cô dành nhiều thời gian tham gia hoạt động đoàn hội; khi thực tập thì chăm chút cho các kỹ năng nhỏ, từ cách in ấn photo, cách sửa lỗi nhỏ ở máy tính… để tránh mang tiếng "cử nhân không đánh nổi văn bản".
Lúc Thành đoàn phát phiếu thăm dò nguyện vọng sau khi ra trường, Thủy nằm trong số 70 thủ khoa muốn vào làm việc ở cơ quan nhà nước, cụ thể là vào làm việc tại Thành đoàn Hà Nội. Theo Thủy, đi làm nhà nước dù lương chỉ đủ chi phí sinh hoạt hiện nay nhưng ổn định, phù hợp với con gái và tân thủ khoa cũng có thời gian học tiếp lên cao học.
Biết nhiều cử nhân ra trường xin vào nhà nước sau đó thì "vỡ mộng", Thủy cho rằng có thể do công việc chưa phù hợp, cơ quan nhà nước chưa có nhiều bước đột phá để các bạn sáng tạo và thử sức, một vấn đề nữa là lương thấp nhưng cô vẫn muốn thử sức.
May mắn hơn nhiều thủ khoa khác, Nguyễn Minh Anh (ĐH Thủy lợi) đang học việc tại một công ty xây dựng. Công việc chính của cậu là bóc tách một phần dự án. Cậu cảm thấy khó khăn vì việc không liên quan đến chuyên ngành được học. Minh Anh đi làm với mục đích thử việc để tăng kinh nghiệm, tăng lợi thế vào hồ sơ khi đi xin việc.
Cậu có ý định xin về trường làm giảng viên hơn là vào các cơ sở, ban ngành nào đó. Công việc dạy học bình lặng, phù hợp hơn với tính cách hướng nội của bản thân.
Theo Minh Anh, việc nhiều thủ khoa cũng như hàng nghìn sinh viên khó tìm việc là điều đương nhiên và sẽ mãi tiếp diễn trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. "Thực tế thủ khoa có thành tích học tập tốt nhất, nhưng chưa hẳn là người năng động nhất. Quỹ thời gian con người có hạn, nếu tham gia nhiều hoạt động thì việc học sẽ bị ảnh hưởng. Những bạn thủ khoa vừa học giỏi, vừa năng động rất hiếm", Minh Anh chia sẻ.
Tốt nghiệp ĐH Hòa Bình với số điểm 9,06/10, thủ khoa Nguyễn Thị Mai muốn trở về xây dựng quê hương nhưng không có cơ hội, biết ở lại Hà Nội khó khăn với tấm bằng đại học dân lập, cô quyết định lên Điện Biên khởi nghiệp bằng công việc buôn bán quần áo. Nhiều thủ khoa của các trường khác như Học viện Báo chí Tuyên truyền, ĐH Thương mại vẫn chưa biết nộp hồ sơ xin việc vào đâu mà lựa chọn đi học thêm ngoại ngữ hoặc học tiếp cao học.
Trong 12 năm qua, thành phố Hà Nội đã vinh danh được 1.335 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn. Năm 2014, thành phố vinh danh 132 thủ khoa. Theo kết quả thăm dò của thành đoàn Hà Nội, trong số 132 thủ khoa được vinh danh năm nay, có 70 em muốn vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước, chỉ 15 em muốn đi làm cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, còn lại 27 thủ khoa muốn học tiếp trong nước và 26 em muốn đi du học nước ngoài.
Hoàng Phương