Trao đổi với VnExpress ngay sau khi thí sinh kết thúc thời gian làm bài thi môn Sử, thầy Trần Trung Hiếu, người có hàng chục năm dạy chuyên Sử trường Phan Bội Châu, Nghệ An, nhận xét: "Đề thi quá hay và ý nghĩa".
Theo thầy Hiếu, phần lịch sử Việt Nam đề yêu cầu rõ ràng, cơ bản, không đánh đố, không bắt trình bày những số liệu khô cứng ngày - tháng - năm, mà chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể làm được. Đề cũng không ra "tủ" mà nhiều học sinh trước đó cứ nghĩ rằng năm nay kỷ niệm năm chẵn của nhiều sự kiện thì có thể rơi vào kháng chiến chống Pháp, chiến dịch Điện Biên phủ... Tuy nhiên, đề không ra vào vấn đề cụ thể mà xuyên suốt lịch sử từ năm 1930 đến 1975.
Sự kiện đầu tiên là Đảng ra đời năm 1930, gắn liền với chính cương sách lược vắn tắt. Đây là đường lối cách mạng xuyên suốt của Việt Nam từ khi Đảng ra đời cho đến nay. Và sự kiện thứ 2 là kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975.
Tâm huyết nhất của thầy là phần lịch sử thế giới. Đề nói đến tổ chức chính trị lớn nhất thế giới hiện nay là tổ chức Liên Hợp Quốc. "Tổ chức này ra đời nhằm giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Khi học sinh nắm được 5 nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc thì dễ dàng giải thích được bản chất của biển Đông hiện nay, vì sao có tranh chấp và cách giải quyết những tranh chấp đó là phương pháp nào", thầy Hiếu nói.
Ở ý thứ hai của câu hỏi này yêu cầu học sinh giải thích "tại sao Liên Hợp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình và liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay". Câu này rất sát vấn đề thời sự, liên quan đến chủ quyền biển đảo, tạo cơ hội để học sinh thể hiện tinh thần yêu nước, thể hiện chính kiến của mình trước hành động xâm lược của Trung Quốc với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Câu hỏi có vận dụng rất hay, là từ nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc để giải quyết vấn đề ở Việt Nam. Theo thầy Hiếu, Việt Nam đang nỗ lực đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế mặc dù Trung Quốc có những hành động ngạo ngược, thậm chí đe dọa và sử dụng hành động quân sự để trấn áp tàu chấp pháp của ta.
Từ khi ra đời đến nay, Liên Hợp Quốc có 5 nguyên tắc hoạt động gồm: Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước; Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình và chung sống hoà bình và sự nhất trí giữa 5 nước lớn Liên Xô (nay là Liên bang Nga), Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những nước sáng lập Liên Hợp Quốc, là 1 trong 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và cũng là nước đề ra 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. "Nhưng những gì Trung Quốc đang làm ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy lời nói của Trung Quốc khác với việc làm của Trung Quốc, thiện chí của Trung Quốc khác với hành động của Trung Quốc", thầy giáo chuyên Sử khẳng định.
Theo thầy, đề thi này cũng giúp học sinh hiểu thêm thực tế ở biển Đông, rằng Việt Nam kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình chứ không phải vũ lực là vì nếu Việt Nam sử dụng vũ lực là vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc: không giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực.
"Thời gian qua học sinh có thể thể hiện tình yêu nước, phản đối Trung Quốc thông qua facebook, nhưng nay các em có thể thể hiện chính kiến thông qua bài thi môn Sử. Đề rõ ràng, rất cơ bản, đáp ứng được yêu cầu chung của đa số học sinh, nên số em được điểm 5 sẽ ít", thầy Hiếu nhận định.
Hoàng Thùy