Chiều 11/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia sau khi công bố dự thảo lấy ý kiến. Thông tư điều chỉnh, bổ sung nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi năm 2016.
Mỗi tỉnh, thành một cụm thi đại học
Thay vì 38 cụm thi đại học như năm ngoái, năm nay Bộ Giáo dục cho phép mỗi tỉnh thành được tổ chức cụm thi đại học để tránh tình trạng thí sinh phải di chuyển xa. Những cụm thi này do trường đại học chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và với trường đại học, cao đẳng khác tổ chức. Thí sinh dự thi tại đây để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Bên cạnh đó, mỗi tỉnh, thành cũng có thể tổ chức cụm thi tốt nghiệp dành cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các cụm thi này do Sở Giáo dục chủ trì, phối hợp với trường đại học, cao đẳng tổ chức.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục nhấn mạnh, tùy tình hình cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà tổ chức cho cả hai đối tượng thí sinh dự thi ở cụm thi đại học tại địa phương.
Xoá bỏ độc quyền công bố điểm thi
Nếu năm 2015 Bộ Giáo dục độc quyền công bố điểm thi thì theo thông tư sửa đổi, năm 2016 các Hội đồng thi sẽ công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả về Bộ Giáo dục và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ với dữ liệu kết quả thi lưu tại Hội đồng thi.
Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh; các Sở Giáo dục sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sử dụng dữ liệu thi để tuyển sinh.
Mỗi thí sinh có một giấy chứng nhận kết quả thi
Năm 2015, thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Tuy nhiên, năm nay mỗi thí sinh chỉ được cấp một Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất.
Thí sinh bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 (không) môn thi đó; không được tiếp tục dự thi các môn thi tiếp theo; không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Để việc giám sát được sát sao hơn, Bộ Giáo dục quy định trưởng điểm thi bố trí cán bộ giám sát phòng thi; đảm bảo mỗi cán bộ giám sát không nhiều hơn 7 phòng thi.
Với việc chấm thi, Thông tư nêu rõ các trưởng môn và cán bộ chấm thi phải là cán bộ, giảng viên đại học, cao đẳng và cán bộ, giáo viên THPT. Mỗi môn thi phải có ít nhất ba cán bộ chấm thi - là người đang trực tiếp giảng dạy đúng môn được phân công chấm. Những giảng viên, giáo viên đang trong thời kỳ tập sự và thành viên ban thư ký, ban làm phách của Hội đồng thi không được chấm thi.
Điểm được quy đổi bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ.
Sau khi gửi kết quả thi về Bộ, Chủ tịch hội đồng thi chỉ đạo ban thư ký Hội đồng thi in Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh có đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (theo mẫu thống nhất do Bộ quy định), ký tên, đóng dấu và gửi cho các sở giáo dục nơi thí sinh đăng ký dự thi.
Các cuộc gọi phải nghe công khai
Thông tư bổ sung, mỗi điểm thi được bố trí một điện thoại cố định dùng để liên hệ với Hội đồng thi. Ở những điểm thi không thể bố trí được điện thoại cố định thì bố trí một điện thoại kéo dài hoặc điện thoại di động đặt cố định tại phòng trực. Mọi cuộc liên lạc trong thời gian thi đều phải bật loa ngoài và nghe công khai. Trường hợp cần thiết có thể bố trí máy tính tại phòng trực của điểm thi và đảm bảo máy tính chỉ được nối mạng khi chuyển báo cáo nhanh cho Hội đồng thi.
Trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo không được mang và sử dụng các thiết bị thu, phát thông tin.
Hoàng Thùy