UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa thông báo kết luận của Chủ tịch Đặng Quốc Khánh gửi Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác chuẩn bị triển khai năm học 2016-2017. Qua đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Sở tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm với các tổ chức, cá nhân trong công tác tham mưu, triển khai đại trà mô hình trường học mới VNEN trong toàn tỉnh.
Ông Khánh đánh giá bên cạnh những mặt được thì mô hình trường học mới còn một số tồn tại. Từ năm học 2012-2013 tới nay, Sở đã thí điểm tại 129 trường Tiểu học và 32 trường THCS, giai đoạn này chưa được đánh giá tổng kết đầy đủ.
"Khi chưa thực sự nhìn nhận rõ vấn đề, năm học 2016-2017 Sở tiếp tục có văn bản chỉ đạo triển khai đại trà mô hình VNEN ở cấp Tiểu học và THCS, việc làm này là chưa thực sự đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Nó dẫn tới sự thiếu thận trọng, chưa khoa học, trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gây ra nhiều ý kiến trong dư luận", văn bản nêu.
Mô hình trường học mới VNEN được triển khai tại một số cấp học ở Hà Tĩnh từ năm học 2012-2013. Hiện tại có 129/260 trường tiểu học, 32/150 trường THCS, 15/44 trường THPT áp dụng.
Sau thông báo của Chủ tịch tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã làm việc với các phòng chuyên môn để đưa ra hình thức kiểm điểm, ban hành văn bản dừng nhân rộng mô hình trường học VNEN. Các trường, các lớp không tham gia mô hình mới không được sử dụng tài liệu dạy học theo mô hình này với bất kỳ mục đích nào, không vận động thu tiền của cha mẹ học sinh để dạy học theo mô hình VNEN.
Tiết học theo mô hình trường học mới VNEN
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh.
Theo chương trình VNEN, học sinh đóng vai trò trung tâm trong khi giáo viên chỉ là người hướng dẫn; nội dung học liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày; học sinh được phân thành nhóm có nhịp độ phát triển tương đồng mà không đánh đồng theo lứa tuổi; học sinh và giáo viên cùng tham gia tạo nên những sản phẩm phục vụ cộng đồng.
Mô hình áp dụng tại Việt Nam có cải biên so với nguyên gốc và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng với thực trạng học sinh đang bị hao hụt dần vốn văn hóa thì đây là giải pháp tuyệt vời để góp phần bảo tồn nếp sống văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Tuy nhiên, đại đa số giáo viên đều "than" gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu của đại đa số học sinh.