Tại đường hoa Hàm Nghi, từ sáng sớm khi trời Sài Gòn còn se lạnh thì Ngô Tiến Lực, sinh viên năm 3 khoa cơ khí trường ĐH Công nghiệp TP HCM đã chỉnh tề trong bộ trang phục bảo vệ để bắt đầu một ngày làm việc mới. Quê ở Bắc Giang, không có điều kiện về quê với gia đình nên Tết năm nay Lực quyết định ở lại thành phố làm thêm kiếm tiền ra năm nộp học phí. Lực đã bắt đầu đi làm được gần một tuần nay.
"Có kế hoạch ở lại làm thêm nên ngay từ đầu tháng 2 em đã bắt đầu liên hệ với các trung tâm việc làm để có thể tìm cho mình được công việc tốt nhất", Lực nói và cho biết hiện tại cậu đang làm bảo vệ ở đường hoa Hàm Nghi với mức lương 18.000 đồng mỗi giờ, riêng 3 ngày Tết lương sẽ tăng lên 30.000 đồng và còn được bao cơm. Hiện mỗi ngày Lực làm 8 tiếng, bắt đầu từ 6h và kết thúc lúc 14h.
Ba năm đi học thì đây là cái Tết thứ 2 Lực xa nhà. "Là con trai nhưng mỗi khi gọi điện về quê nghe bố mẹ kể lại không khí đón tết của gia đình, làng xóm hay thỉnh thoảng trên đường đi làm nghe mấy bài nhạc xuân em cũng thấy nao lòng lắm. Nhiều khi thấy nhớ nhà da diết", Lực cúi đầu, nhỏ giọng. Nam sinh cho biết sẽ xin tăng ca hoặc tìm thêm việc làm thêm vào khoảng thời gian trống để xua đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.
Trần Thị Minh Hằng (quê Phú Yên) - sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Ngân hàng TP HCM - cho biết, dù quê không quá xa nhưng năm nay Hằng lại quyết định ở lại thành phố làm thêm để kiếm tiền trang trải. "Thường ngày em đi làm thêm chỉ được 50-60.000 đồng nhưng làm dịp Tết thì có thể cao gấp đôi, gấp ba. Nếu chịu khó trong mấy ngày này có thể kiếm được khoảng 5 triệu đồng", Hằng cho biết lý do ở lại. Đây cũng là lần đầu tiên Hằng đón Tết xa nhà, hiện nữ sinh làm phục vụ cho một quán ăn với mức lương 150.000 đồng mỗi ngày và sẽ tăng gấp đôi trong ba ngày Tết.
Không những tranh thủ đi làm thêm, để chia sẻ không khí Tết, Hằng còn tham gia chương trình "Xuân tình nguyện" của phường Linh Trung (quận Thủ Đức). Cô và những người trong chương trình sẽ tổ chức nhiều hoạt động như đến thăm các gia đình có công với cách mạng, đi thu gom ve chai giúp đỡ người nghèo, gỡ biển quảng cáo để làm sạch đường phố, khai thông dòng chảy ở kênh rạch...
"Nhiều khi ở phòng trọ một mình, nghe mẹ điện vào bảo ở quê mọi người đang sắm sửa đồ, lau chùi nhà cửa, chuẩn bị rửa lá dong và chẻ lạt để gói bánh chưng thì em chảy nước mắt", Hằng tâm sự và cho biết đã nhiều lần phải tắt điện thoại giữa chừng mỗi khi mẹ điện thoại vào hỏi thăm, động viên. Bố mẹ cũng muốn Hằng về đoàn tụ với gia đình nhưng vì điều kiện khó khăn nên đành phải động viên con ở lại làm Tết để ra năm có tiền đóng học phí.
Tuy khá buồn vì không được về quê nhưng nữ sinh viên năm 2 cũng tự tin cho rằng việc ở lại thành phố sẽ giúp cô có thêm những trải nghiệm và kinh nghiệm mới và bản thân cũng cần phải tự thích nghi với môi trường ở cái thành phố rộng lớn này kể cả việc sống và đón Tết xa nhà.
Tương tự, Nguyễn Thị Thu Trang trường CĐ Công nghệ thông tin TP HCM cũng vừa kết thúc lịch học và đã xin vào làm nhân viên bán hàng cho một siêu thị với mức lương 19.000 đồng mỗi giờ. "Ba ngày Tết mức lương sẽ lên 30.000 đồng một giờ và còn có cả tiền lì xì nữa", Trang khoe và nhẩm tính nếu làm đến hết Mùng 5 Tết có thể kiếm đủ tiền học phí cho cả học kỳ.
Trong khi đó nhiều bạn sinh viên khác vừa được nghỉ học cũng tất bật tìm việc làm thêm cho mình trong dịp này. Chưa tìm được việc làm phù hợp, Nguyễn Thị Hằng - sinh viên năm 4 trường ĐH Sài Gòn - cho biết vẫn đang tìm hiểu để chọn cho mình công việc có thu nhập cao. Những năm trước Hằng thường làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng Nhật ở quận 1 mới mức lương 150.000 đồng một ngày, ngoài ra còn có tiền tiền lì xì của khách và chủ nhà hàng nên cô có thể kiếm được khoảng 4 triệu trong mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay Hằng lại muốn làm việc ở những quán chuyên phục vụ khách Tây để trau dồi thêm tiếng Anh nên hiện vẫn chưa có việc.
Theo đại diện của Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM, giai đoạn Tết là thời điểm nhu cầu tuyển dụng sinh viên làm việc bán thời gian tăng cao nhất trong năm, đặc biệt là các nhà hàng, siêu thị, công ty dịch vụ, làm mứt, gói quà... Hiện, trung tâm đã giới thiệu được khoảng 4.000 đầu việc làm cho sinh viên với 350 doanh nghiệp tuyển dụng. Thu nhập làm thêm của sinh viên trong đợt này cũng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường, hiện mức lương trung bình từ 15 đến 30.000 đồng/giờ.
Cũng theo Trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên thì năm nay mức số đầu việc nhiều và phong phú hơn các năm trước, còn mức lương thì tăng 10-15%.
Nguyễn Loan