Gần đây bảng xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được công bố với việc Việt Nam xếp thứ 12 về chất lượng giáo dục toàn cầu, đứng trên cả Anh, Mỹ và một số nước phát triển, đã gây nhiều cảm xúc cho xã hội. Một số không đồng tình, một số thì lờ đi, một số thì châm biếm.
Bản thân tôi là nhà giáo thấy rằng hầu như đồng nghiệp khi được hỏi thì lắc đầu cười cho qua. Tựu chung là không đồng ý, rất ít khi thấy ý kiến đồng ý. Riêng tôi lại thấy có lý, bởi tiêu chí để xếp thứ hạng là dựa vào các kỳ thi quốc tế và ở đây thì Việt Nam luôn có thứ hạng cao.
Chúng ta hay đánh đồng với việc nước giàu thì cái gì cũng tốt, cũng giỏi và ngược lại. Điều đó không hẳn sai, nhưng thật ra chúng ta hay nhầm lẫn thế nào là giỏi. Với góc độ là một giáo viên trung học phổ thông, tôi thấy rằng chúng ta cần phân tích một chút thế nào là giỏi đối với học sinh hiện nay.
Học thật ra nói nôm na theo kiểu nông dân là bắt chước, là làm theo. Cho nên chúng ta hay nói là học sinh giỏi, thật ra là giỏi theo nghĩa chăm nhiều hơn, trên lớp giáo viên dạy thế nào thì học y như thế, hay được gọi học vẹt. Nhưng như thế cũng đã đạt điểm giỏi ở hầu hết các môn.
Ngay cả môn Toán tôi đang giảng dạy, nếu học sinh nào chăm chỉ làm nhuần nhuyễn các bài tập trên lớp thì các em vẫn đạt điểm giỏi. Vì bây giờ chủ trương ra đề thi là căn bản, không đánh đố, không lắt léo có nghĩa là dạy sao cho vậy, các em cứ việc học theo là ổn.
Khi ra xã hội, chúng ta lại hiểu giỏi theo cách khác: là phải làm ra cái mới, cái chưa có, cái hiệu quả hơn chứ không phải cái làm theo.
Nói như vậy để thấy cái học và cái ứng dụng của chúng ta còn khoảng cách khá xa, và tại sao chúng ta hay than phiền sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc mà ra trường phải học việc lại từ đầu, rất nhiều em học thì giỏi nhưng làm việc thì hiệu quả không cao, bởi đơn giản khi làm việc thì công việc ít có khuôn mẫu sẵn để các em giỏi như lúc học.
Rõ ràng, cái giỏi không khớp nhau thì so sánh kiểu nào chẳng vênh? Tuy nhiên, chúng ta đều biết việc học tuy khuôn mẫu, nhưng là những cái cơ bản, có thể xem như là cái cần để các em có thể tiến xa hơn tìm cái đủ. Chúng ta hay nói Bill Gates không cần bằng đại học cũng giỏi, cũng trở thành người giàu nhất thế giới. Không sai, nhưng thế giới có bao nhiêu Bill Gates như vậy?
Những nước phát triển thì họ thiên về ứng dụng nhiều hơn, bởi vì họ có điều kiện, cái mà chúng ta hay nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Thực tế những nước nghèo thì càng học giỏi, cũng giống như trong môi trường sư phạm, các em học sinh nghèo có xu hướng học giỏi hơn, đó là điều bình thường.
Chúng ta lại nói, thứ hạng cao vậy không nên mừng! Sao lại không mừng? Chẳng lẽ chúng ta nghèo lại học dở thì mừng? Đúng là giáo dục, mà thực tế là bất cứ vấn đề gì, còn tồn tại những hạn chế riêng của nó, nhưng nhìn chung chúng ta đã được công nhận.
Sự phát triển về kinh tế và nền giáo dục của một nước là mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ lẫn nhau. Đất nước chúng ta đang trên con đường phát triển thì việc nền giáo dục được công nhận như thế là điều hết sức đáng mừng, và chúng ta tin rằng đó là cơ sở vững chắc để sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Nói theo khía cạnh tương hỗ thì giáo dục đang dẫn trước kinh tế 1- 0, và chúng ta đang hy vọng không bao lâu, kinh tế sẽ “gỡ hòa”, khi đó nền kinh tế chúng ta sẽ được xếp hạng 12.
Đó là điều tất cả chúng ta đều hy vọng, dù nói ra hay không.
Nguyễn Minh Duy