Dù chỉ kéo dài trong hơn 10 phút nhưng bài giảng của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã lôi cuốn các học viên trực tuyến cũng như các giảng viên của chương trình. Theo cựu Bộ trưởng Giáo dục, phần trả lời này được ông đúc kết sau 1,5 năm nghiên cứu tình hình khủng hoảng của Mỹ.
![]() |
Phó thủ tướng xem câu hỏi của các học viên. Ảnh: Công Minh. |
Mở đầu bài giảng, Phó thủ tướng cho rằng, nguyên nhân gây ra khủng hoảng đầu tiên chính là tình trạng suy giảm liên tục tiết kiệm quốc gia bởi trong vòng 40 năm tiết kiệm cá nhân ở Mỹ giảm từ 11% xuống còn 0%.
"Ở Việt Nam, theo thống kê, tỷ lệ tiết kiệm còn khá cao. Về mặt kinh tế chưa thấy vấn đề lớn nhưng nhìn từ hành vi thì cũng khá lo. Các nước khác sang thấy mình có 2 điện thoại di động họ ngạc nhiên lắm và di dộng của mình đều mới hơn của họ. Nhiều khi ngồi trong phòng họp, nhiệt độ chúng ta để rất thấp, khoảng 22-23 độ C", ông nói.
So sánh với Nhật Bản, Phó thủ tướng cho biết, tất cả phòng họp, phòng làm việc của Chính phủ không để nhiệt độ dưới 26 độ C, còn Quốc hội gương mẫu để mức 27 độ C. Do được dạy nên trẻ em nước này cũng rất có ý thức tiết kiệm năng lượng.
Cho rằng, nền kinh tế Mỹ bị khủng hoảng một phần là do thâm hụt ngoại thương, ông phân tích, trước khi khủng hoảng, nợ của Mỹ gần bằng 100% GDP. Đây chính là dấu hiệu về mặt kiểm soát bởi lẽ ra phải có cảnh báo sớm hơn. "Bài học ở đây là dù thu nhập đầu người cao nhưng phải giám sát vấn đề nhập siêu và có cách thức khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu", ông Nhân giảng.
Sau khi đề cập tới khoản vay nước ngoài của Mỹ tăng từ hơn 100 tỷ USD (1997) lên 800 tỷ USD (2007) khiến nước này lâm vào khủng hoảng, Phó thủ tướng khẳng định: "Nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Cách đây 4 ngày, Thủ tướng cũng chủ trì cuộc họp về dự kiến diễn biến vay nợ của chúng ta từ nay đến năm 2020 và những năm sau đó. Đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm".
![]() |
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận tài khoản giảng viên danh dự. Ảnh: Công Minh. |
Nguyên nhân cuối cùng dẫn tới khủng hoảng của Mỹ chính là thị trường tài chính phát triển quy mô lớn nhưng lại được giám sát, đánh giá rủi ro thiếu khách quan. Theo Phó thủ tướng, bài học ở đây chính là muốn đánh giá rủi ro của một quốc gia, không chỉ để người nước ngoài đánh giá mà chính mình phải đánh giá và đủ độ tin cậy.
"Ngành ngân hàng Việt Nam cũng đang triển khai đề án xây dựng các công ty đánh giá của chính chúng ta và có sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài. Chúng ta là nước mới tham gia thị trường tài chính nên việc đánh giá rủi ro, cảnh báo sớm rất quan trọng", ông nhấn mạnh.
Bài giảng kết thúc bằng tràng pháo tay của các học viên trực tuyến, giảng viên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT... Để các học viên có nhiều cơ hội được trao đổi, học hỏi hơn nữa, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội Lê Văn Thanh đã trao tài khoản "Giảng viên trực tuyến danh dự" - nguyenthiennhan.gv - cho Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Sau buổi học này, các học viên của chương trình có thể đặt câu hỏi để "thầy" Nguyễn Thiện Nhân trả lời trực tuyến.
Khởi động từ tháng 3/2009, chương trình Cử nhân trực tuyến TOPICA - giảng dạy qua hệ thống mô phỏng 3D - đã thu hút được 2.300 học viên theo học các ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính Ngân hàng và kỹ sư Tin học. Ngoài các giảng viên lý thuyết, chương trình đã thu hút 250 giảng viên đang làm việc tại các doanh nghiệp để tăng cường thực tế làm việc cho các học viên. |
Tiến Dũng