Chiều 31/3, một ngày trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi, Bộ Giáo dục tổ chức lễ khởi động hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia. Phần mềm này khác hoàn toàn với những phần mềm tuyển sinh trước đó vì sẽ thực hiện chức năng ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một trên cơ sở dữ liệu đồng nhất.
Cụ thể, phần mềm sẽ quản lý hồ sơ đăng ký dự thi, việc tổ chức thi, quản lý kết quả thi, xét tuyển tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Toàn bộ dữ liệu được lưu trữ tập trung và trực tuyến, đảm bảo tính chính xác, minh bạch, cập nhật và đồng bộ. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho toàn bộ các khâu trong kì thi.
Bên cạnh đó, phần mềm còn hỗ trợ tra cứu thông tin tiện lợi, giảm chi phí đi lại, giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực đã tồn tại từ nhiều kì thi trước.
Bộ Giáo dục cho biết, phần mềm sẽ giúp Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, các Sở Giáo dục tiện lợi trong giám sát, thống kê, phân tích số liệu tổng thể của kỳ thi, làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch đào tạo trong tương lai.
Năm 2015, Bộ Giáo dục quán triệt sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác tuyển sinh. Theo đó, các trường cử cán bộ đủ trình độ làm chuyên trách công nghệ thông tin, chuẩn bị đủ máy vi tính, máy in, lập địa chỉ email; thực hiện đúng (về cấu trúc, quy trình, thời hạn xử lý dữ liệu tuyển sinh) phần mềm quản lý thi THPT quốc gia và phần mềm xét tuyển của Bộ Giáo dục trong các khâu nhập dữ liệu từ hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, nhập dữ liệu về kết quả sơ tuyển (nếu có).
Các trường cũng phải công bố danh sách thí sinh trúng tuyển trên trang thông tin điện tử của trường, trên trang thông tin điện tử của Bộ và phương tiện thông tin đại chúng.
Lan Hạ