PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), chia sẻ với VnExpress về việc đua kiếm giải thưởng để được ưu tiên trong tuyển sinh đầu cấp.
- Khi kiểm tra hồ sơ học sinh đăng ký vào lớp 6 trường Lương Thế Vinh trong 2 mùa tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển, ông thấy có điểm gì đặc biệt?
- Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm tổ chức thi vào lớp 6 dưới mọi hình thức. Tất cả trường ở Hà Nội áp dụng xét tuyển theo tuyến, trừ một số trường được cho xét trái tuyến vì lượng thí sinh đăng ký đông hơn nhiều lần chỉ tiêu, như: THCS Cầu Giấy, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Lương Thế Vinh…
Hai mùa tuyển sinh vừa qua, mỗi năm trường Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6. Nhưng tôi hoảng quá, có đến 1.000 hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán, tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Những năm trước học sinh đỗ qua kỳ thi tuyển sinh vào trường chúng tôi dù điểm học bạ cao, nhưng không quá nhiều điểm 10 hai môn suốt 5 năm như thế.
Từ khi đi học đến khi đi dạy và nhiều năm gần đây, tôi cũng không thấy học bạ nào được 10 Toán lẫn Văn từ lớp 1 đến lớp 5. Ngày xưa được 7 điểm môn Văn đã khó, hiếm hoi đặc biệt lắm cô giáo mới cho điểm 10. Môn Toán đạt điểm 9 cũng là mừng.
Do có hàng nghìn hồ sơ đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ được 600, chúng tôi buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…
Không hiểu sao học sinh hai năm qua lại được nhiều điểm tuyệt đối, nhiều giải thưởng ở các cuộc thi như vậy.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Quỳnh Trang. |
- Qua quá trình đào tạo, ông thấy những học sinh đạt điểm 10 suốt 5 năm tiểu học và có nhiều giải thưởng ở các cuộc thi, đã thể hiện khả năng như thế nào trong thực tế học tập?
- Chúng tôi không làm cuộc khảo sát và cũng không thể kiểm tra lại tất cả giải thưởng mà hàng nghìn học sinh đạt được trong các cuộc thi. Tuy nhiên, có phụ huynh đã nói nhỏ với tôi rằng những giải văn nghệ, thể thao họ bỏ vài triệu ra mua, thậm chí xin là được.
Các giáo viên cũng phản ánh, có những em trong hồ sơ ghi đạt điểm 10 Toán, tiếng Việt cả 5 năm tiểu học nhưng khi vào lớp 6 học lại kém hơn bạn chỉ được 8-9 điểm. Mặt bằng chung, chất lượng học sinh đỗ vào trường qua hình thức xét tuyển thấp hơn học sinh thi đỗ vào THCS Lương Thế Vinh.
Thực tế đó khiến tôi băn khoăn liệu những hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối và các giải thưởng văn nghệ, thể thao, thi qua mạng kia có thực chất?
- Ông nghĩ gì về việc nhiều phụ huynh cho con tham gia các cuộc thi, thậm chí “chạy” giải để được ưu tiên xét tuyển vào trường top đầu của Hà Nội?
- Việc phụ huynh muốn con được học ở ngôi trường có chất lượng đào tạo tốt là lẽ thường dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh vì "bệnh" sĩ diện nên bằng mọi giá phải cho con vào được trường top.
Phụ huynh cho trẻ tham gia quá nhiều cuộc thi sẽ gây tâm lý mệt mỏi cho học sinh. Việc mua giải sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của trẻ. Khi tự dưng có một giải thưởng mình không tham gia, học sinh sẽ phải hỏi và bố mẹ buộc phải trả lời. Chúng ta sẽ dạy các con trung thực như thế nào khi chính bố mẹ gian lận?
Trường tôi khi xét tuyển lớp 6 đã ghi nhận được một trường hợp phụ huynh khai gian hồ sơ của con. Bị phát hiện, người này đã phải rút đơn đăng ký.
- Theo ông, giải pháp nào để giải quyết tình trạng "chạy" điểm, "chạy" giải và học sinh được tuyển công bằng vào các trường THCS top đầu thủ đô?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm thi tuyển vào lớp 6 là để giảm căng thẳng học thêm, thi cử cho học sinh. Tuy nhiên, Bộ không thấy rằng, các em phải tham gia quá nhiều cuộc thi từ văn hóa đến văn nghệ, thể thao, chỉ để lấy được điểm ưu tiên trong xét tuyển, còn vất vả hơn.
Tôi mừng là mới đây Bộ ra công văn tinh giảm các cuộc thi, trong đó yêu cầu không sử dụng kết quả các cuộc thi do Sở Giáo dục chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở cử đi tham gia cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018. Từ năm học 2018-2019, các trường hợp này cũng không được ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp. Đây có thể là cách giúp giảm bớt tình trạng đua lấy giải, chạy giải cho học sinh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là Bộ cần làm thế nào để học bạ phản ánh thực chất của học sinh. Vấn đề này không liên quan nhiều đến người học mà ảnh hưởng trực tiếp tới các thầy cô. Giáo viên mà để học sinh lưu ban thì xét tiên tiến khó lắm.
Tôi có một mong muốn là học sinh có quyền đi học và quyền chọn trường. Nhưng vấn đề chọn trường chắc khó do phân bố dân cư và tâm lý của phụ huynh. Muốn làm được việc này, nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục là phải đồng đều hóa chất lượng đào tạo của các trường THCS hiện có độ vênh. Khi mặt bằng đào tạo như nhau, phụ huynh sẽ yên tâm cho con học ở trường đúng tuyến mà không phải cố để con được vào trường top trên và phải "luyện" giải, xin điểm cho con để được ưu tiên xét tuyển.
Những giải pháp trên có lẽ phải lâu dài mới thực hiện được. Trước mắt, tôi nghĩ không gì tốt hơn là để một số trường top đầu được tổ chức thi tuyển. So với khoảng 600 trường THCS ở thủ đô, số lượng trường cần thi để tuyển lựa học sinh vì quá đông hồ sơ đăng ký, chỉ chiếm một phần trăm. Số học sinh phải ôn luyện để thi vào những trường này cũng chỉ chiếm số ít so với hàng trăm nghìn học sinh sẽ lên lớp 6. Như vậy, việc giảm áp lực học tập cho phần đông học sinh vẫn thực hiện được và so với việc phải tham gia nhiều cuộc thi để được ưu tiên, thi một cuộc có lẽ sẽ bớt vất vả hơn.
Việc thi tuyển cũng tạo công bằng cho học sinh hơn xét học bạ bởi việc cho điểm học bạ phụ thuộc vào đánh giá của từng trường mà mức độ đánh giá mỗi trường một khác. Ví dụ, một học sinh ở trường A có thể được điểm 9 nhưng nếu ở trường B cũng với khả năng ấy em có thể được điểm 10. Một kỳ thi với bài thi chung dành cho tất cả học sinh sẽ đánh giá công bằng nhất thực lực của học trò.
Năm học 2017-2018, Hà Nội tiếp tục không thi tuyển vào lớp 6 mà xét tuyển (diễn ra vào tháng 6-7). Một số trường có lượng học sinh đăng ký cao gấp 4-5 lần chỉ tiêu như: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Marie Curie, Lương Thế Vinh, lại đưa tiêu chí phụ để lọc học sinh bên cạnh kết quả kiểm tra Toán, tiếng Việt 5 năm tiểu học. Năm nay cũng có gần 83.000 học sinh Hà Nội tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ 70% có cơ hội học tại trường THPT công lập. Khoảng 30% (tương ứng 26.000 học sinh) sẽ học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề. |
Quỳnh Trang thực hiện