Hơn 11h trưa, giáo sư Nguyễn Thị Cành (giảng viên Đại học Kinh tế - Luật TP HCM) vẫn sang sảng giảng giải các vấn đề kinh tế cho lớp sinh viên chất lượng cao. Nhìn bà ít người nghĩ đã ở tuổi 61 và đang mang căn bệnh ung thư. Kết thúc buổi dạy, bà lặng lẽ thu dọn đồ rồi đi bộ ra trước cổng trường bắt xe buýt về nhà.
Chia sẻ về căn bệnh, giáo sư Cành cho biết, cách đây hai năm khi đang đi công tác ở Mỹ thì gặp vấn đề về đường tiêu hóa, nhưng vì lu bu công việc nên gần nửa năm sau mới đi khám. "Nghe bác sĩ thông báo bị ung thư trực tràng giai đoạn 3 tôi đã rất sốc và xuống tinh thần", bà Cành nhớ lại.
Không đầu hàng trước căn bệnh hiểm nghèo, bà nhanh chóng lấy lại tinh thần bằng cách dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về căn bệnh. "Chính kinh nghiệm của những người từng trải qua bệnh hiểm nghèo đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và quyết định phẫu thuật", nữ giáo sư chia sẻ.
Ở cái tuổi đáng ra đã nghỉ hưu, nhưng giáo sư Cành cho biết giảng đường là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất giúp bà vượt qua giai đoạn khó khăn. Công việc chính là làm nghiên cứu, ngoài ra ban ngày bà dạy sinh viên lớp cử nhân tài năng còn buổi tối dạy cao học. Bà còn tham gia hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ.
Từng là dân Toán trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), sau thời gian du học đại học rồi bảo vệ tiến sĩ tại Nga, bà Cành về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở nhiều nơi như: Đại học Kinh tế quốc dân, Viện Kinh tế TP HCM. Từ năm 2002, bà về công tác tại Khoa Kinh tế (Đại học Quốc gia TP HCM), nay là Đại học Kinh tế - Luật.
Đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế tài chính, nữ giáo sư đã tham gia nhiều dự án quốc tế như: tư vấn cho dự án đầu tư công vào khu vực giáo dục của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự án Tài chính công và Quản lý đô thị của cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Dự án khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp thực phẩm Việt Nam do Quỹ châu Á của Mỹ tài trợ…
Từ đam mê nghiên cứu, sau 13 năm về trường, thành quả bà Cành đạt được là trên 50 bài báo được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó 7 bài đăng quốc tế, 6 bài trình bày tại hội thảo quốc tế. Bà cũng là chủ biên của nhiều đầu sách chuyên khảo, giáo trình.
Đối với học trò, bà là "bệ phóng" cho hàng trăm học viên cao học, nghiên cứu sinh và nhiều thế hệ sinh viên của trường. Nữ giáo sư chia sẻ rất tự hào khi nhiều học trò giờ là giám đốc trung tâm kinh tế, trưởng khoa, phó hiệu trưởng trường đại học. Nhiều học sinh khác nhận được học bổng và thành đạt ở nước ngoài.
Không bi quan về căn bệnh của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm có được sau những chuyến điều trị ở Singapore, bà Cành còn dành thời gian đi tư vấn, động viên bệnh nhân ung thư nhằm hỗ trợ họ về mặt tinh thần, tâm lý lẫn cách điều trị. Chia sẻ với những bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh này, nữ giáo sư cho biết phải tập cách "sống chung với lũ". Ngoài việc giữ cho tinh thần được vững vàng thì cần uống thuốc và tập luyện đều đặn.
"Tôi cũng xác định rồi, bị bệnh hiểm nghèo thì thời gian sống ngắn hơn người khác nên phải tìm cách sử dụng thời gian như thế nào cho có ích, chứ ngồi buồn rầu vì bệnh tật chỉ có chết sớm hơn thôi", nữ giáo sư lạc quan nói.
Nguyễn Loan