Trong Hội thảo quản lý các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục tại TP HCM hôm 27/2, ngành giáo dục cho hay, cả nước có 14.000 trường mầm non, giữ trên 500.000 trẻ em nhưng thực tế các trường vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân. Một trong những nguyên nhân là bởi có đến hơn 2,1 triệu lao động làm việc trong các Khu công nghiệp (KCN), trong đó có tới 65% công nhân ở độ tuổi sinh con nên hàng năm có hàng nghìn trẻ cần được gửi vào các điểm giữ trẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Gia đình xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, các bé dưới 36 tháng tuổi đang ở giai đoạn phát triển quan trọng nhất về vận động, nhận thức và cảm xúc. Song, đây lại là nhóm tuổi gần như không được nhận vào trường công lập lẫn tư thục nên buộc các bậc phụ huynh phải gửi vào nhà trẻ tự phát hoặc nhờ ông bà, thuê người trông hộ. Phần lớn những người này chưa được đào tạo chuyên môn và kiến thức chăm sóc trẻ.
Theo số liệu khảo sát từ Hội phụ nữ những tỉnh thành có nhiều KCN thì chỉ 18,9% gia đình gửi được con vào trường công lập, số còn lại phải gửi ngoài công lập và điểm giữ trẻ không phép. Thạc sĩ Tuyết Mai cho biết, trong một cuộc khảo sát lấy ý kiến công nhân, có tới 72% gia đình gửi con vào các nhóm trẻ độc lập tư thục vì lý do gần nhà, chi phí thấp và tiện đường đưa đón. Chỉ 32% gia đình quan tâm tới chất lượng giáo viên cũng như cơ sở vật chất nơi mình gửi con.
Trước tình trạng phát triển ồ ạt của các nhóm trẻ ngoài công lập, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ cũng bày tỏ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý các nhóm trẻ này. Nhất là ở những nơi có KCN phát triển.
Là một trong những địa phương xảy ra hàng loạt vụ bạo hành, làm chết trẻ mầm non ở các điểm giữ trẻ không phép, bà Trần Thị Kim Thanh - Phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM cho biết, Thành phố đã yêu cầu đóng cửa các điểm giữ trẻ không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, không thể đóng cửa được những điểm giữ trẻ không phép vì không có đủ trường lớp nhận hết số trẻ từ các điểm này.
Hơn nữa dân số của thành phố đang tăng quá nhanh, hàng năm Sở Giáo dục đều xây thêm nhiều trường mầm non nhưng vẫn không đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số. Trong khi đó, các nhóm trẻ không phép mọc ra ngày càng nhiều và việc quản lý về hành chính cũng như chuyên môn vô cùng khó khăn.
Để tháo gỡ tình trạng trên, TP HCM đã yêu cầu quy hoạch đất để xây trường mầm non ngay trong KCN nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con cho công nhân. Hiện tại, đã có 3 trong số 5 KCN xây trường mầm non đáp ứng chỗ học cho khoảng 1.000 trẻ, nhiều KCN khác cũng đang xây dựng. Tuy nhiên số trường này cũng chỉ giải tỏa được phần nhỏ nhu cầu.
Tương tự, bà Phạm Thị Huệ Trang - Trưởng phòng mầm non tỉnh Bình Dương cũng trăn trở khi gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc quản lý trường mầm non ngoài công lập. Bình Dương có 28 KCN, hàng năm số trẻ mầm non tăng 9.000-10.000 trẻ. Số trẻ này thay đổi chỗ ở liên tục, tạo ra nhiều áp lực trong việc quy hoạch, quản lý.
Trước ý kiến cho xây trường mầm non trong các KCN, bà bày tỏ quan ngại bởi tiếng ồn, khí độc từ các nhà máy sản xuất sẽ ảnh hưởng không tốt tới trẻ em.
Biên Hòa (Đồng Nai) cũng là một trong những thành phố tập trung rất nhiều KCN. Theo bà Ngô Diệu Thanh - Phó trưởng phòng Phòng giáo dục TP Biên Hòa thì trường ngoài công lập đang phát triển nhanh vì không đủ trường công lập. Những điểm giữ trẻ này có mức tiền ăn và học phí thấp nên chất lượng bữa ăn cũng như giáo viên mầm non đều rất thấp.
Ghi nhận những khó khăn trong công tác quản lý mầm non ngoài công lập, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng thực tế có tình trạng hàng nghìn công nhân và người có thu nhập thấp phải "nhắm mắt" gửi con vào nhà trẻ, mẫu giáo không phép bởi không có cách nào tốt hơn.
Từ đó, Thứ trưởng yêu cầu Sở Giáo dục các tỉnh phải phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường chăm lo con em của công nhân. "Việc nuôi dạy trẻ mầm non không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà các ban ngành, xã hội pcần hải kết hợp lại với nhau để tránh tình trạng mất an toàn cho trẻ", bà Nghĩa nhấn mạnh.
Nguyễn Loan