Sau khi tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu, trong đó Việt Nam xếp thứ 12, đứng trên các nước Anh, Mỹ, nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ quan điểm không nên vui mừng với thứ hạng nói trên.
Ông Hoàng Tùng. |
Ông Hoàng Tùng, Giám đốc điều hành trường song ngữ Brendon cho rằng, bảng xếp hạng của OECD được rút ra từ khảo sát 2 môn Toán và Khoa học ở học sinh lứa tuổi 15 trên 76 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam nói riêng các nước Á châu nói chung có vị trí cao cũng không quá khó hiểu vì ở lứa tuổi này học sinh chúng ta khá mạnh về học thuật để chuẩn bị thi đại học.
Theo bảng xếp hạng, Việt Nam đứng trên các nước như Anh, Mỹ, Australia... Tuy nhiên, việc chỉ đánh giá trên lứa tuổi và môn học không thể dùng để nói về bức tranh của cả nền giáo dục bởi như vậy là không công bằng.
"Các nước phát triển thu rất nhiều ngoại tệ từ việc thu hút học sinh trên toàn thế giới tới học, còn chúng ta thì không. Việc họ thấp hơn về chỉ số quy mô nhỏ thì hoàn toàn không thể nói giáo dục nước họ thấp hơn chúng ta", ông Tùng nói.
OECD cho rằng kết quả xếp hạng cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa giáo dục với kinh tế và đưa Singapore ra làm ví dụ về đứng đầu chỉ số khảo sát cũng như sự tăng trưởng kinh tế trong 50 năm qua. Nhưng theo ông Tùng, riêng chỉ số này không làm thay đổi diện mạo của đảo quốc sư tử. Họ thay đổi toàn diện từ ngoại ngữ (tiếng Anh), kỹ năng thực hành, đến học thuật phân ban cho cấp lớn...
Quay lại câu chuyện của Việt Nam, Giám đốc điều hành trường Brendon cho rằng cần tăng thực hành hơn vì học sinh, sinh viên Việt Nam đang thiếu thực tế. Nên giảm tính hình thức, đặc biệt là bệnh thành tích để học sinh được tham gia nhiều "hành" hơn "học".
"Nên quên những đánh giá như thế này đi vì chúng ta còn quá nhiều việc phải làm trước khi đứng ra xếp hạng với các nền giáo dục tiên tiến. Những đánh giá như thế này có khi lại làm lung lay quan điểm đổi mới giáo dục", ông Tùng nhấn mạnh.
Trưởng dự án Công nghệ giáo dục, Đại học FPT Dương Trọng Tấn. |
Trưởng dự án Công nghệ giáo dục, Đại học FPT Dương Trọng Tấn cũng cho rằng chỉ nên tin vào kết quả đánh giá một phần, cần hết sức thận trọng khi nhìn vào bảng xếp hạng kẻo lại rơi vào tình trạng "tự sướng", lợi bất cập hại.
Đồng tình với ông Hoàng Tùng, ông Tấn nhấn mạnh, thật khó để tin ngay được khi chỉ qua đánh giá của OECD mà khẳng định giáo dục Anh, Mỹ kém Việt Nam. Bởi giáo dục phổ thông là để chuẩn bị nền tảng tri thức đủ rộng cho mỗi công dân tham gia vào xã hội. Toán và Khoa khọc không đại diện cho cả một nền giáo dục. Thêm nữa, thành quả giáo dục không thể đo đếm thuần túy ngay sau khi học mà phải xem 3, 7 hay 10 năm tới các em sẽ phát triển tới đâu, từ đó mới khẳng định được nền giáo dục ấy có hiệu quả không.
"Nhìn vào hiện trạng phổ thông trung học, đại học và sáng tạo khoa học kỹ thuật, thật khó để nhìn ra một thứ hạng cao như thế, ngay cả trong hai môn Toán và Khoa học, chứ chưa nói đến cả nền giáo dục", ông Tấn nói và nhận định, lạc quan lắm cũng chỉ có thể nghĩ rằng trong giai đoạn trước tuổi 15, một số cơ sở giáo dục ở Việt Nam có thể đang giảng dạy Toán và Khoa học hiệu quả hơn mức trung bình của thế giới, chiểu theo tiêu chí của PISA.
OECD nói rằng kết quả xếp hạng cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa giáo dục với kinh tế, nhưng theo ông Tấn việc đo đếm lứa tuổi 15 chưa thể liên hệ với phát triển kinh tế được. Bởi lẽ, chức năng của giáo dục trước tuổi 15 (bậc phổ thông cơ sở) là trang bị kiến thức tối thiểu để vào đời, chưa sang giai đoạn đào tạo nghề nghiệp. Vì vậy nhận định kiểu "học giỏi nhưng làm kém" dựa vào kết quả PISA là chưa thỏa đáng.
Thầy Đào Tuấn Đạt, giảng viên Đại học Bách khoa, Hiệu trưởng THPT Anhxtanh Hà Nội. |
Ông Đào Tuấn Đạt, giảng viên Đại học Bách khoa, Hiệu trưởng THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết, từng học tập ở trong và ngoài nước, giảng dạy cho học sinh từ lớp 8 đến bậc đại học, từ học sinh kém nhất đến học sinh chuyên đi thi quốc tế nên có đủ trải nghiệm để chưa bao giờ thấy được khích lệ bởi kết quả thi Olympic, PISA và mới đây là kết quả xếp hạng của OECD.
"Chỉ có một số rất ít trong hàng triệu học sinh cùng lứa tuổi đạt thành tích trong các kỳ thi, nghĩa là kết quả không đại diện cho số đông còn lại. Thứ hai là tất cả các em đạt giải trong các kỳ thi Olympic đã trải qua quá trình ôn luyện ngày đêm ít nhất 2 năm cuối cấp THCS và 2-3 năm THPT. Các nước xếp sau trong bảng xếp hạng của OECD như Mỹ, Anh, Pháp... vì họ không ôn luyện như Việt Nam", ông Đạt giải thích.
Vị giảng viên này nhận định, không em nào đạt giải mà không phải bỏ hầu hết các môn khác, chỉ học môn để đi thi mỗi ngày đã mất khoảng 18 tiếng. Bỏ chừng ấy thời gian trong một ngày, trong suốt 5-6 năm với bao nhiêu lớp đội tuyển để so sánh với những học sinh chỉ ôn luyện trong vài tháng hoặc không biết mặt mũi bài thi Olympic thế nào thì kết quả càng vang dội bao nhiêu càng làm chúng ta chạnh lòng bấy nhiêu.
"Việc kiểm tra PISA, đối tượng tham gia khảo sát là hoàn toàn ngẫu nhiên, hay chọn ngẫu nhiên trong số các học sinh của một số trường đã được luyện kiểu gà nòi để thi PISA?", giảng viên Đại học Bách khoa đặt câu hỏi và khẳng định, chỉ cần so sánh độ khó, tính sáng tạo của đề thi vào đại học của Việt Nam với một số nước, cùng với việc phân tích phổ điểm thu được là đủ biết trình độ của học sinh hiện nay như thế nào.
PISA là chữ viết tắt của Programme for International Student Assesment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (Organization for Economic Cooperation and Development) khởi xướng và chỉ đạo. |
Hoàng Thuỳ