
GS, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.
Sáng 10/12, ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo “Nhà giáo nhân dân, GS Nguyễn Lân - cuộc đời và sự nghiệp”. Hàng chục giáo sư từng là học trò của thầy Lân đến dự và kể lại những kỷ niệm về Người.
GS Hà Minh Đức cho biết, những năm đầu hòa bình lập lại, lớp Văn 1954 - 1957 của ĐH Sư phạm Hà Nội có thầy Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc, Trương Tửu dạy Văn học, thầy Nguyễn Lân dạy Giáo dục học. Thầy Lân ăn mặc giản dị, giọng nói sôi nổi, cử chỉ mạnh mẽ, quyết đoán. Thầy có tiếng cười sảng khoái khi hòa vui, trò chuyện với sinh viên trong giờ nghỉ. Ông thường căn dặn: “Hữu chí cánh thành: có chí thì nên”, “Tuổi trẻ chưa dễ biết ai có tài, nhưng có chí rèn luyện thì sẽ có tài”.
“Cả cuộc đời thầy đã chứng minh cho điều đó. Ý chí, nghị lực đã tạo nên cốt cách của nhà giáo Nguyễn Lân. Thầy ít nói về mình, trong câu chuyện thường quan tâm đến hoàn cảnh và cuộc sống của người khác”, GS Đức nói.
Còn trong ký ức của GS Phạm Tất Dong, Tổng thư ký hội Khuyến học Việt Nam thì ngay giờ học đầu tiên môn Lịch sử Giáo dục học được thầy Lân dạy, ông đã tự nhủ “đây chính là nhà giáo đáng để cắp sách theo học suốt đời, một nhân cách hoàn hảo” vì bài giảng vô cùng cuốn hút.
Ông nhớ, thầy Lân có một bộ comple cũ, giữ rất cẩn thận, chỉ lên lớp mới mặc. Đó là bộ quần áo đã theo thầy từ trước Cách mạng tháng Tám, qua 9 năm kháng chiến chống Pháp đến những năm tháng dạy học về sau. “Thầy Nguyễn Lân là một người uyên thâm các học thuyết giáo dục thời xưa, luôn hành động với những triết lý giáo dục có giá trị với mọi thời đại”, GS Dong khẳng định.
Nhà văn Ma Văn Kháng tự hào vì là người học trò được thầy Lân uốn nắn từ cách dùng từ, ngắt câu trong nói năng, viết lách. Dù là giáo viên dạy Tâm lý - Giáo dục song thầy Nguyễn Lân rất đa tài, nhiều buổi thầy còn dạy Văn và Sử. “Giờ ra chơi, chúng em đều không muốn ra ngoài chạy nhảy, chỉ muốn quây quần bên thầy, xin thầy giảng tiếp vì thầy giảng hay quá” - đó là hồi ức mà những nữ sinh trường Đồng Khánh đã viết trong bức thư gửi thầy Lân năm 1990.
Sinh thời, thầy Lân cũng rất phiền lòng về chuyện học sinh dùng phao trong các kỳ thi và nhất là hiện tượng thi hộ. GS Hà Minh Đức nhớ như in hình ảnh người thầy cũ đến tuổi về hưu vẫn còn nặng gánh lo cho ngành giáo dục. Trong hội nghị do Ban Khoa giáo Trung ương triệu tập, thầy nêu ý kiến, phải kết hợp giữa giáo dục ý thức học sinh và kỷ luật với những hành vi phá phách. Thầy cũng quan tâm đến việc học của các em nhỏ: “Các cháu còn bé quá sao phải mang cặp quá to, ở trong đựng quá nhiều sách. Cháu gái tôi than phiền như thế, tôi đã kiểm tra và rất thương cháu”.

Con cháu của GS Nguyễn Lân đều thành đạt và đóng góp nhiều cho xã hội.
GS Nguyễn Đình Chú (Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, GS Nguyễn Lân đã làm khoa học giáo dục dựa trên sự thấm nhuần sâu sắc truyền thống giáo dục của dân tộc, phương đông. Giữa lúc đời nghĩ theo hướng khác, GS đã chủ trương với nhà trường hãy “Tiên học lễ, hậu học văn”.
“Cũng bởi tư tưởng này mà khi ấy ông đã bị phê phán rất gay gắt, người ta cho rằng ông không có chí cầu tiến, tính xác thực. Nhưng đến hôm nay, hầu như thăm trường nào chúng ta cũng thấy đập vào mắt biểu ngữ tiến bộ và sâu sắc ấy”, GS Chú nói.
GS Nguyễn Lân quê ở Hưng Yên, xuất thân trong một gia đình đông con nhưng “hữu sinh vô dưỡng”. Ông là con thứ 17 và là con út, lúc thiếu thời rất còi cọc, nhưng được trời cho tư chất rất thông minh. Năm 1932, Nguyễn Lân tốt nghiệp thủ khoa trường ĐH Sư phạm Đông Dương và bắt đầu cuộc đời giáo viên, dạy qua các trường Tư thục Thăng Long, Đồng Khánh, Quốc Học, Bách Công… Ông là người tham gia thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ.
Sau cách mạng Tháng 8 ông được mời làm Ủy viên giáo dục tỉnh Thừa Thiên, Giám đốc Học chính Trung bộ. Chuyển ra Hà Nội, ông dạy Ban Chuyên khoa trường Chu Văn An, rồi đi kháng chiến làm Giám đốc giáo dục các liên khu 10, Việt Bắc. Năm 1951, ông sang Trung Quốc dạy trường Sư phạm cao cấp tại khu học xá Nam Ninh; từ năm 1956 dạy tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội và làm Chủ nhiệm Khoa Tâm lý - Giáo dục từ ngày thành lập đến khi về hưu. Ông có nhiều tiểu thuyết, sách nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, từ điển…
Tám người con của ông đều là những nhà trí thức nổi tiếng có nhiều đóng góp cho khoa học, giáo dục nước nhà, như Nguyễn Lân Dũng là nhà sinh vật học, Nguyễn Lân Cường là nhà khảo cổ học, Nguyễn Lân Hùng là nhà sinh học luôn tâm huyết với việc chuyển giao khoa học tới bà con nông dân, Nguyễn Lân Việt là bác sĩ chuyên tim mạch, Nguyễn Lân Trung là nhà ngôn ngữ học… Các thế hệ thứ hai, thứ ba đều có những thành công nhất định. Hiện, gia đình ông đã có 7 giáo sư, 8 phó giáo sư, 12 tiến sĩ (kể cả dâu, rể).
Hoàng Thùy