Anh Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc đào tạo, Học viện Công nghệ thông tin Bách Khoa (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, ở Việt Nam vai trò của công nghệ thông tin đối với các doanh nghiệp rất quan trọng. Mọi hoạt động kinh doanh hay vận hành hàng ngày của các doanh nghiệp đều cần đến sự hỗ trợ của các hệ thống CNTT như hạ tầng mạng, hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu…
Đối với ngành mạng, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tập đoàn quy mô lớn đều cần xây dựng cho riêng mình hạ tầng mạng để đảm bảo hoạt động CNTT. Các công ty viễn thông lớn như Viettel Telecom, FPT Telecom cũng đã và đang triển khai rộng rãi hạ tầng mạng tới các tỉnh, huyện. Tuy nhiên nếu xét về chất lượng, tính sẵn sàng và sự đa dạng về các dịch vụ chạy trên hạ tầng mạng thì ở Việt Nam vẫn chưa làm tốt. Vì vậy trong những năm tới, song song với việc xây dựng hạ tầng thì việc phải tối ưu, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng là điều cần thiết phải làm.
Do sự phát triển bùng nổ của ngành CNTT và nhu cầu cao của các doanh nghiệp nên số lượng nhân sự theo học ngành mạng là khá nhiều. Đặc thù của ngành CNTT là công nghệ mới thay đổi với tốc độ chóng mặt, ngành mạng máy tính không phải ngoại lệ. Nhân lực trong ngành ngoài việc phải hiểu được các công nghệ, kỹ thuật đang sử dụng thì phải liên tục cập nhật các công nghệ mới trên thế giới mới đưa ra. Do còn nhiều trở ngại về phương pháp học, môi trường học tập nên dù nhân lực trong ngành mạng này khá nhiều tuy nhiên số lượng nhân sự chất lượng cao thì lại rất ít. Đây là một hiện thực đáng buồn.
Theo anh Huy, vai trò chính ở đây là của các đơn vị đào tạo. Các đơn vị đào tạo CNTT cần có chương trình học tiên tiến, phù hợp với tốc độ phát triển của ngành. Các giáo trình phải phù hợp và liên tục cập nhật theo xu hướng công nghệ, môi trường học tập phải đầy đủ trang thiết bị và công cụ cần thiết. Quan trọng hơn cả đó là phương pháp truyền đạt, phải hướng dẫn học viên biết cách tự học, biết cách tự nghiên cứu công nghệ, biết cách tự suy luận logic như vậy kiến thức người học thu nạp được mới bền. Và quan trọng hơn, học viên cần được thực hành thực tế trên các thiết bị thật, cần va chạm các trường hợp thực tế thì mới nhanh chóng phát triển kỹ năng. Nó giống như việc học bơi, nếu không xuống nước thì sẽ không bao giờ biết bơi.
Còn sinh viên cũng cần phải có định hướng cụ thể trong học tập, tránh rơi vào hoàn cảnh “cái gì cũng biết qua nhưng lại không chắc cái gì".
"Ngành mạng hiện nay đã đi được một quãng đường xa, nó không còn là ngành nghề sơ khai như ban đầu nữa. Do đó để đáp ứng được yêu cầu của ngành đòi hỏi các bạn ngoài kiến thức cơ bản còn phải liên tục đào sâu, nâng cấp kiến thức của cá nhân lên. Nếu các bạn đã có định hướng cho ngành nghề của mình thì hãy kiên trì theo đuổi, liên tục trau dồi kiến thức nhằm xây dựng backgroud thật tốt", anh Huy nhắn nhủ.
Đặc thù ngành mạng là tài liệu hoàn toàn bằng tiếng Anh, rất ít tài liệu hay bằng tiếng Việt nên người học cần chú tâm đầu tư ngoại ngữ. Đó là điều kiện cần để có thể tiếp thu được các kiến thức chuyên ngành. Đọc tài liệu nước ngoài, sinh viên có thể dễ dàng tiếp thu kho kiến thức quý báu.
"Cuối cùng là sau khi ra trường, bạn không cần lo mình thiếu kinh nghiệm, vì kinh nghiệm chỉ sau khi đi làm rồi mới có. Việc mà các bạn có thể làm khi còn ngồi ghế nhà trường là xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc và tiếng Anh tốt như tôi nói thì cơ hội có việc làm rất cao", Phó Giám đốc đào tạo Học viện Công nghệ thông tin Bách Khoa nói.
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây
Kiều Trinh