Tháng 2 vừa qua, niềm vui bất ngờ đã đến với chàng sinh viên Đại học McDaniel (bang Maryland, Mỹ) Phan Đức Huy. Viện công nghệ số 1 thế giới Massachusetts Institute of Technology (MIT), đứng thứ 1 trong bảng xếp hạng QS TopUniversity, ngôi trường mơ ước của cựu học sinh chuyên Lý THPT Lê Hồng Phong TP HCM này đã gọi tên em trong danh sách trao học bổng tiến sĩ vật lý.
Tuy nhiên, MIT chưa phải là lựa chọn duy nhất cho con đường trở thành tiến sĩ khoa học của Đức Huy. 10 đại học danh tiếng khác như: Cornell (thứ 19 thế giới), Michigan (thứ 23), Duke (thứ 25)... cũng liên tiếp gửi thư chúc mừng kèm những quyền lợi hấp dẫn để lôi kéo Huy về với trường mình.
Huy cho biết, từ năm nhất đại học đã chuẩn bị cho việc xin học bổng tiến sĩ. Ngoài việc học trong trường, em còn chủ động tham gia những khóa học online của chương trình MIT OpenCourseware để học chuyên sâu hơn các môn trên lớp và mở rộng kiến thức ra những ngành mà em không có điều kiện học ở trường. Huy đồng thời nghiên cứu với giáo sư Vasilis Pagonis của Đại học McDaniel nhằm trau dồi kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, nâng cao kỹ năng làm thí nghiệm, phân tích dữ liệu, lập trình...
Báo cáo khoa học của Huy và giáo sư Pagonis cùng một vài cộng tác viên về mô hình phát quang trong một số vật liệu có khả năng phát quang đã được 2 tạp chí khoa học vật lý danh tiếng Journal of Luminescence và Radiation Measurements (trụ sở ở Hà Lan) đăng tải. "Thầy Pagonis đã giúp đỡ em rất nhiều. Cho đến giờ, em vẫn tham gia vào những nghiên cứu vị giáo sư ấy", Huy cho biết.
Mùa hè năm thứ ba, Đức Huy trở thành một trong 6 sinh viên xuất sắc nhất (trên tổng số 500 người nộp đơn ở toàn nước Mỹ), được nhận vào làm nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu Vật lý gia tốc quốc gia Fermilab. Trong 3 tháng ở đây, em tham gia dự án R&D (research & development) của một thế hệ máy gia tốc hạt mới với hiệu suất và kinh phí rẻ hơn các thế hệ máy gia tốc hiện nay.
Đó là một kỷ niệm đáng nhớ với Huy khi được làm quen với nhiều bạn có cùng sở thích, học thêm được kỹ năng thực hành, báo cáo khoa học, đặc biệt hiểu rõ hơn về nghiên cứu vật lý khi làm việc trong nhóm lớn, điều mà trước nay em ít biết vì khi nghiên cứu chỉ có em với một giáo sư.
Năm 2014, Đức Huy rinh học bổng Harry Jones mà Đại học McDaniel mỗi năm sẽ trao cho một sinh viên ưu tú nhất trong khoa Lý của trường. Em đồng thời được nhận vào hội Honor Society Phi Beta Kappa - một trong những tổ chức học thuật danh giá của nước Mỹ. Thường tốp 10% sinh viên xuất sắc về các môn khoa học, xã hội của các trường đại học trên toàn quốc sẽ được nhận vào hội này. 17 tổng thống Mỹ, 38 thẩm phán của Tòa án tối cao Mỹ và 136 người đoạt giải Nobel, là những thành viên cũ của Phi Beta Kappa.
Vừa học trên lớp, vừa nghiên cứu khoa học và hoạt động ngoại khoá, đã có lúc Đức Huy thấy mệt nhoài. Khoảng thời gian khó khăn nhất trong quá trình xin học bổng tiến sĩ của cậu là vào học kỳ thu của năm 4 khi phải ôn thi GRE Physics để xét điều kiện nhập học sau đại học. Ngoài việc soạn hồ sơ cho các trường, viết lý lịch cá nhân, Huy vẫn làm trong ban chấp hành của một số câu lạc bộ nên công việc rất bận rộn.
"Có những hôm em phải thức đến sáng để làm nghiên cứu và ôn thi GRE vì trong ngày không có thời gian. Lịch của em hầu như kín với các lớp, hoạt động câu lạc bộ và việc dạy thêm Toán, Lý cho sinh viên trong trường. Nhiều lúc cứ thế mà đi học luôn nên buổi trưa phải chợp mắt ngay tại lớp học", Huy chia sẻ.
Nam sinh người Việt tâm sự, có những lúc tự hỏi tại sao mình phải mất công như vậy, cứ học làm kỹ sư ra trường có việc ngay và thu nhập còn tốt hơn làm khoa học. Nhưng cuối cùng "đam mê nên không bỏ được" và nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của giáo sư, gia đình, bạn bè, mọi thứ trở nên dễ dàng với Huy hơn.
Ngày nhận được thư chúc mừng của MIT - ngôi trường Huy mơ ước được vào học từ cấp 2, cảm xúc trong cậu vỡ oà. Em gọi điện về cho bố mẹ báo tin luôn, dù khi đó là nửa đêm ở Việt Nam.
Huy cho biết chọn MIT trong số 11 trường cấp học bổng tiến sĩ bởi ngoài việc là đại học lớn với chất lượng giáo dục và cơ sở cực tốt, MIT còn đầu tư rất nhiều vào ngành vật lý năng lượng cao với số lượng lớn các dự án nghiên cứu. Tại đại học này cũng có nhiều giáo sư có các công trình nghiên cứu phù hợp với đam mê, khả năng của Huy.
Học tiến sĩ ở Massachusetts, Đức Huy sẽ làm việc ở phòng thí nghiệm khoa học hạt nhân để nghiên cứu vật lý năng lượng cao về những hạt cơ bản cấu thành vật chất và sự tương tác giữa chúng với nhau. Đây là đam mê từ nhỏ của em bởi Vật lý hạt đặt ra những câu hỏi hóc búa, mang đầy tính triết học, nhưng lại khiến Huy vô cùng hứng thú như: tại sao vũ trụ lại tồn tại, bản chất của vũ trụ là gì.
Thời học ở Việt Nam, chàng cựu học sinh chuyên Lý của THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) này đã rinh nhiều giải cao trong các kỳ thi về vật lý như: giải nhất học sinh giỏi Lý TP HCM (năm 2009), huy chương vàng Olympic 30/4 môn vật lý (năm 2009), giải ba học sinh giỏi quốc gia vật lý năm 2010...
Bố làm xây dựng, mẹ là kế toán, riêng Đức Huy đi theo sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Quyết định của em nhận được sự tôn trọng, ủng hộ nhiệt tình từ gia đình. Huy mong ước có thể giống nhà vật lý vĩ đại của thế kỷ 20 - Richard Feyman, vừa nghiên cứu vừa là một người thầy truyền nhiệt huyết, đam mê những thế hệ sau.
“Với gói học bổng 84.000 USD/năm (trong vòng 5-6 năm) bao gồm tiền học và chi phí nghiên cứu, em có thể bắt tay vào việc nghiên cứu Vật lý ngay từ năm đầu tiên mà không phải tham gia giảng dạy”, Huy hào hứng cho biết.
Quỳnh Trang