Ngày 10/2, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học". Trong đó, vấn đề các trường đại học, học viện phải công khai kết quả kiểm định chất lượng trước kỳ tuyển sinh THPT quốc gia năm 2018 được đặc biệt quan tâm.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định việc công khai kết quả kiểm định chất lượng có tác động trực tiếp đến quá trình tuyển sinh, mang lại thuận lợi cho các trường.
"Nhiều trường có điểm mạnh về cơ sở vật chất, địa điểm thực hành hay đội ngũ giảng viên, nhưng do truyền thông không hiệu quả nên công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Nếu việc công khai chất lượng là bắt buộc, các trường này sẽ có cơ hội lớn hơn", ông Trinh nói.
Thực tế từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường thực hiện 3 công khai (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và thu chi tài chính). Kết quả kiểm định những chỉ tiêu này được đăng tải trên website của nhiều trường đại học, học viện, nhưng không ai đảm bảo đó không phải là "số liệu ma".
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc không có một đơn vị độc lập đứng ra thẩm định kết quả kiểm định chất lượng trường đại học, không có chế tài xử lý trường hợp thông tin sai dẫn đến công khai nhưng không minh bạch.
"Việc công bố chỉ số chất lượng đã có từ lâu, nhưng chưa đủ chi tiết và chưa có ai kiểm tra", ông Thanh nhận định và lấy ví dụ về việc công khai chất lượng đội ngũ giảng viên. Thay vì chỉ công khai số lượng giảng viên, các trường phải công bố danh sách giảng viên theo từng ngành. Người quan tâm có thể kiểm tra chéo danh sách giảng viên với danh sách bảo hiểm xã hội để đảm bảo không có gian lận.
Ngoài 3 công khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường công bố thêm nhiều chỉ số chất lượng hơn trong những năm tới, trong đó có tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của hai khóa gần nhất. Các chuyên gia giáo dục cho rằng yêu cầu này rất đúng đắn, là bước truyền thông hiệu quả mà nhiều trường chưa làm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quý Thanh cho biết thực tế có trường công bố con số lên tới 80% sinh viên ra trường có việc làm, nhưng khi hỏi về phiếu khảo sát gốc từ sinh viên và nhà tuyển dụng thì trường không đáp ứng được. Điều này cho thấy con số 80% kia là không chính xác. Do đó cần có đơn vị kiểm tra kết quả, áp dụng chế tài xử lý cứng rắn đối với các trường đưa số liệu không đáng tin cậy.
Trước thực tế nhiều trường công bố tỷ lệ việc làm cao nhưng chỉ khảo sát trên mẫu nhỏ (30% tổng sinh viên tốt nghiệp), PGS.TS Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội đồng Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội), nhận định việc chọn mẫu là bình thường vì khó khảo sát được hết sinh viên, nhưng mẫu được chọn phải đặc trưng và không chỉ chọn một ngành.
Ông Long ví dụ về Đại học Giao thông Vận tải. Nếu trường chọn mẫu khảo sát là sinh viên ngành Kỹ thuật công trình giao thông thì tỷ lệ có việc làm là 85%. Mẫu này không đáng tin cậy vì thực tế tỷ lệ sinh viên có việc làm ở một số ngành rất thấp. Để nắm bắt thông tin về sinh viên đã tốt nghiệp, nhà trường phải yêu cầu các em để lại địa chỉ mail, số điện thoại và ra chế tài để sinh viên tự thông báo thông tin việc làm sau khi ra trường. "Nhà trường phải tìm cách để mối liên hệ với sinh viên không được lỏng lẻo như thực tế hiện nay", ông Long nói.
Để những số liệu về chất lượng các trường đại học chính xác, ông Mai Văn Trinh cho biết 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục sẽ thẩm định quy trình kiểm định của các trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục cũng có chế tài xử lý những trường không công bố kết quả kiểm định hoặc công bố số liệu không đáng tin cậy. Những trường này có thể phải dừng tuyển sinh.
Thanh Tâm
>>Từ năm 2016, các đại học phải công bố tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp