Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Nghĩa cho biết, năm 2015, do kỳ thi tốt nghiệp THPT giải quyết hai nhiệm vụ xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng nên không thể lấy kết quả đó để đánh giá tốt nghiệp. Tuy nhiên, công thức tính kết quả để xét tốt nghiệp sẽ không khác so với năm 2014, nghĩa là 4 môn thi tốt nghiệp chiếm 50% và kết quả học tập lớp 12 chiếm 50%.
"Về cơ bản, cấu trúc đề thi sẽ không thay đổi nhiều, đề ra trên nguyên tắc đảm bảo những học sinh trung bình sẽ đỗ tốt nghiệp, phân loại được học sinh giỏi với những câu hỏi nâng cao. Phần này sẽ giúp các trường ĐH, CĐ có thể chọn lựa được những thí sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo", ông Nghĩa cho hay.
Theo Cục phó Khảo thí, các Sở Giáo dục có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh dự thi. Thí sinh đủ điều kiện dự thi, không có bài thi nào từ 2 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp chung một loại Bằng tốt nghiệp THPT.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân, đảm bảo những học sinh đạt kết quả thi cao sẽ được lợi thế khi xét tuyển và hạn chế những trường hợp thí sinh có điểm thi cao vẫn trượt ĐH, hạn chế hiện tượng thí sinh ảo. Căn cứ kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, Bộ Giáo dục sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày). Mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.
Trong thời hạn xét tuyển cho từng đợt, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường hay ngành khác theo nguyện vọng. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ xem xét, quyết định.
Kiều Trinh