Tốt nghiệp lớp chất lượng cao ĐH Sư phạm Hà Nội, Trần Mai (25 tuổi) về giảng dạy tại THPT Chu Văn An (Hà Nội). Cô giáo trẻ ngay lập tức gây ấn tượng với học trò bởi theo lời Thúy, học sinh lớp 12 thì "cô rất xinh, thân thiện và dạy Sử cực hay".
Nhắc lại ngày đầu đến trường, Trần Mai cười khì nhớ chuyện học trò không chịu gọi mình bằng "cô" mà chỉ xưng "chị" vì giáo viên trẻ quá. Sau để hợp với đạo thầy trò, học sinh nghĩ ra kế gọi cô bằng nickname "cô Ômaime".
Nhằm gây ấn tượng với giáo viên trẻ, có trò trong giờ học bài lại lôi giấy, bút ra hì hụi ngồi vẽ chân dung cô. Trò khác thì chặn cầu thang, tự giới thiệu bản thân cùng lời nhắn nhủ "cô nhớ gọi em phát biểu ý kiến nhé".

Trần Mai - hot teacher của THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: NVCC.
"Cô giáo trẻ thường bị học trò super soi nên ngày đầu đi dạy, tôi cũng lo lắng, bồn chồn lắm. Học sinh Chu Văn An lại rất thông minh, hay hỏi những câu quái, tôi sợ mình không trả lời được hoặc bỗng quên kiến thức", Trần Mai chia sẻ.
Đúng như dự tính của Mai, đám "nhất quỷ nhì ma" hay đặt cô vào tình huống khó xử. Thi thoảng, các em bắt cô làm trọng tài phân xử “bạn nào đẹp trai hơn”, viết thư tỏ tình cho cô, hoặc năn nỉ cô giáo cắt đi mái tóc dài thướt tha để trông trẻ hơn. Chưa làm chủ nhiệm lớp, nhưng "cô Ômaime" lại được nhiều học sinh tìm đến tâm sự đủ chuyện trên trời dưới đất và xin lời khuyên.
Có vốn kiến thức lịch sử phong phú, chuyên sâu, phương pháp giảng dạy linh hoạt, hay cười, thoải mái với học sinh, Trần Mai nhanh chóng trở thành hot teacher ở THPT Chu Văn An. Những đề kiểm tra kiểu: Ômaime vì soạn bài nên không tham gia được chuyến du lịch cùng các nhà khoa học của xứ sở 10 Hóa, quay về quá khứ, đến các quốc gia cổ đại phương Đông, phương Tây. Hãy tả lại cho cô ấy đặc trưng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các quốc gia bạn quan tâm… khiến học trò trường Chu phát cuồng vì "đáng yêu quá".
Cô Mai cho biết, môn Lịch sử vốn bị tiếng khô khan và ít học trò hứng thú học nên cô lồng ghép kiến thức vào các câu chuyện, cho học sinh đi thực tế và thay đổi cách ra đề để tạo hứng thú và phát huy trí tưởng tượng cho các em.
Lần đầu đứng lớp, khi là sinh viên thực tập ở THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam), Trần Mai từng bị học sinh nhắn tin "nhắc nhở": Nếu cô cứ giữ phong cách trẻ con và nhút nhát thì không bao giờ chinh phục được chúng em. Lúc ấy, cô giáo tương lai không khỏi chạnh lòng. Buổi ra mắt cả lớp trước đó, cô còn trào nước mắt vì học sinh quá lạnh lùng với mình.
Khi tìm hiểu và nói chuyện nhiều hơn với học sinh, Trần Mai dần lấy được thiện cảm. Tập thể lớp sau đó đã cùng cô hoàn chỉnh giáo án, chỉ ra chỗ được, chỗ chưa trong mỗi bài giảng và giúp Mai định hình phong cách nhà giáo cho mình. "Những con đường dẫn đến trái tim tuổi thơ sẽ bị đóng kín nếu người thầy chỉ là người đứng trên bục giảng", Trần Mai nhắc lại câu nói về nghề mà mình tâm đắc.
Cũng có phong cách dạy thoải mái, kiến thức sâu và đặc biệt sở hữu vẻ dễ mến, đẹp trai, Đỗ Hiệp (30 tuổi) được nhiều thế hệ học viên Arena Multimedia yêu mến. Thầy giáo với nụ cười hiền rạng rỡ này nhận được khá nhiều thư tỏ tình từ nữ sinh. Đám học trò gọi anh là "anh giáo xì tin" và hay lôi ảnh thầy ra chế thật hài hước.

Đỗ Hiệp (ảnh trên, bên trái) được nhiều lớp học viên Arena Multimedia yêu quý, hay chế ảnh và đặt biệt anh "anh giáo xì tin". Ảnh: NVCC.
Dưới bàn tay của đám học trò, cứ thoáng chốc Đỗ Hiệp lại được “biến hình” thành người đầy lông lá, anh hề hay chế thầy giáo từ cưỡi xe phân khối lớn hoành tráng thành chàng trai đi chở lợn… Xưởng vẽ của thầy Hiệp cũng thành đại bản doanh để đám trò tinh nghịch đến chơi đùa, hò hẹn yêu đương…
Vốn là họa sĩ được mời đi dạy môn "Basic art", sau 3 năm gắn bó, Đỗ Hiệp cảm thấy yêu nghề gõ đầu trẻ này. Với anh, đám học trò dù đôi lúc ương bướng không nghe lời nhưng đã giúp thầy lấy được sức trẻ, nguồn cảm hứng sáng tác. Những chuyến picnic vui nhộn, những buổi liên hoan thầy trò, những đêm mỏi mắt thức nghe trò kể chuyện lùm xùm trong lớp nhờ phân xử… là kỷ niệm đẹp khiến Đỗ Hiệp quyết định theo đuổi nghề lâu dài.
Tốt nghiệp Sư phạm, Hà (tên nhân vật đã thay đổi) được nhận về một trường cấp ba có tiếng “cá biệt” ở thủ đô. Tại đây cô giáo trẻ gặp khá nhiều rắc rối với đám học trò quậy phá. Hà từng sợ hãi hét toáng trong lớp khi bất ngờ phát hiện con rắn (nhựa) trong sổ đầu bài. Cô cũng từng phải khóc tức tưởi, chạy khỏi lớp vì đám nam sinh còn to lớn hơn cô không chịu nghe lời.
"Những ngày đầu đứng lớp ấy thật khó khăn. Tôi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm ứng phó với trò nên thường bị các em bắt nạt. Nhưng sau tất cả, tôi nhận ra, dù cá biệt, quậy phá, bản chất học trò vẫn ngoan và khao khát tình cảm, sự quan tâm. Tôi quyết định ở bên các em và gắn bó với nghề gõ đầu trẻ này", cô Hà tâm sự.
Quỳnh Trang