Ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký công văn yêu cầu Sở Nội vụ chỉ đạo, đôn đốc UBND huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh soát xét kỹ hợp đồng cụ thể đối với 214 giáo viên do các đơn vị này tự ký hợp đồng (ngân sách huyện trả lương), tổ chức gặp gỡ, động viên, giải thích rõ ràng cho các trường hợp này và chấm dứt hợp đồng trước 25/8.
Thực hiện chỉ đạo trên, từ ngày 23 đến 25/8, lãnh đạo thị xã Kỳ Anh đã tổ chức một số cuộc họp, thông báo chấm dứt hợp đồng đối với 214 giáo viên (gồm mầm non, tiểu học và trung học cơ sở). Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục thị xã Kỳ Anh, cho hay trong số bị chấm dứt hợp đồng thị xã có 72 người, huyện có 142 người, đa số là giáo viên tiểu học và trung học cơ sở.
Về lý do chấm dứt hợp đồng, ông Sum giải thích trước đây khi chưa tách địa giới hành chính, huyện Kỳ Anh tuyển giáo viên hợp đồng, nhưng không qua xét tuyển. Nay tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu tinh giảm biên chế, chỉ những trường hợp ký hợp đồng, qua xét tuyển từ tỉnh mới được giữ lại.
Việc phải nghỉ dạy đột ngột khiến rất nhiều giáo viên búc xúc. Nữ giáo viên tên Nguyệt, trường THCS Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) tâm sự: “Tôi có thâm niên 12 năm, ký hợp đồng từ thời lương mỗi tháng được 400 nghìn đồng, tới nay có khá hơn, đạt mức 2,3 triệu đồng. Số tiền tuy ít, nhưng đó là nghiệp mình đã theo, giờ không được đứng lớp nữa cảm thấy vô cùng hụt hẫng”.
Theo các giáo viên, tại những cuộc họp lãnh đạo đều bày tỏ: “Mong các đồng chí thông cảm, cuộc đời con người sẽ có nhiều bước ngoặt, không đi hướng này thì đi hướng khác”. Trước những câu nói ấy, nhiều người đặt câu hỏi liệu với tấm bằng sư phạm, khi thất nghiệp thì sẽ đi hướng nào, biết làm gì phù hợp thì không nhận được lời phúc đáp.
Cô Huyền, giáo viên trường THCS Giang Đồng (huyện Kỳ Anh) chia sẻ, từ ngày bị chấm dứt hợp đồng bản thân không dám ra ngoài, gọi điện cho anh em họ hàng. “Gần ngày khai giảng, các giáo viên tới lớp, nhưng chúng tôi thì phải ở nhà. Một số phụ huynh, học sinh hỏi han sao không đi dạy, tôi không biết giải thích thế nào cho thỏa đáng, bởi nếu nói ra một số người không hiểu chuyện sẽ dị nghị”, cô Huyền nói.
Nhiều giáo viên không biết làm việc gì để nuôi gia đình, con cái. “Với tấm bằng sư phạm, nếu xin chuyển sang một ngành nào đó thì không thể. Chúng tôi nay đã trở thành những người lao động bình thường, hướng giải quyết cuối cùng có lẽ sẽ phải đi làm thuê”, một giáo viên ngậm ngùi nói.
Ông Nguyễn Minh Hoàn, Phó chủ tịch huyện Kỳ Anh thông tin, sự việc này đang được tập trung xử lý, việc giải quyết hướng đi cho các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng thì chưa thể nói trước. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Sum thông tin, ở thị xã Kỳ Anh, các giáo viên sẽ được hưởng hết lương tháng 9, còn mọi chế độ sẽ có bảo hiểm, phòng ban liên quan tính toán giải quyết cho từng trường hợp.
“Sắp tới bậc tiểu học sẽ có 72 chỉ tiêu xét tuyển biên chế cho cả huyện và thị xã. Những giáo viên bị chấm dứt hợp đồng đợt này sẽ được tham gia thi tuyển để có thể tiếp tục công việc. Với số giáo viên trung học cơ sở, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh và Sở Nội vụ cho thêm chỉ tiêu”, ông Sum nói.
Đức Hùng
*Tên giáo viên trong bài đã được thay đổi.