Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Người di cư (CIS) của Mỹ cho thấy hiện có gần 62 triệu người Mỹ, chiếm một phần năm dân số nước này, dùng thứ tiếng khác không phải Anh ngữ khi họ ở nhà.
Người gốc Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách này với 1,4 triệu người, theo sau nhóm gốc Tây Ban Nha (38,4 triệu), Trung Quốc (3 triệu) và Philippines (1,6 triệu).
Trước đó, khảo sát gần đây nhất về trình độ Anh ngữ (báo cáo Limited English Proficiency) của nhóm người di cư tại Mỹ cho thấy có khoảng 68% người di cư gốc Việt bị hạn chế về độ thành thạo tiếng Anh.
Thuật ngữ "Limited English Proficient" (Độ thành thạo Anh ngữ hạn chế) được dùng để chỉ những người từ 5 tuổi trở lên được đánh giá là "well, "not well", "not at all" (tốt, không tốt, không tốt chút nào) khi làm bài khảo sát. Chỉ những ai nói tiếng Anh hoàn toàn hoặc được đánh giá "very well" (rất tốt) mới được xem là thành thục về ngôn ngữ. |
Tỷ lệ này này thấp hơn mức trung bình của những người gốc Đông Nam Á (47%). Chỉ có 7% người di cư gốc Việt nói tiếng Anh hoàn toàn khi họ ở nhà.
Bất chấp sự thật rằng người di cư gốc Việt hạn chế về độ thành thạo Anh ngữ so với các nhóm di cư khác, nhóm gốc Việt lại có xu hướng được nhập tịch nhiều hơn và thu nhập cao hơn.
Số liệu năm 2012 cho thấy thu nhập bình quân hộ gia đình của nhóm người di cư gốc Việt là 55.736 USD. Con số này thấp hơn so với nhóm di cư gốc Đông Nam Á (65.488 USD), nhưng lại cao hơn so với trung bình của toàn bộ nhóm người di cư (46.983 USD). Con số này cũng vượt mức trung bình của dân gốc Mỹ (51.975 USD).
Tỷ lệ nghèo của nhóm di cư gốc Việt là 15%, cao hơn một chút so với nhóm gốc Đông Nam Á (12%) nhưng thấp hơn so với con số 19% của toàn bộ những người di cư sinh ra ở nước ngoài.
Thanh Bình (theo Migrationpolicy, breitbart.com)