Ba đời Tổng thống Pháp từ Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy đến Francois Hollande đều không mặn mà với việc học tiếng Anh. |
Đã nhiều thế kỷ, nước Pháp cố gắng kháng cự lại thứ ngôn ngữ của những "les rosbifs" (một từ miệt thị người Pháp gọi người Anh) ở phía bên kia Kênh đào.
Tuy nhiên, nay những lãnh đạo tương lai được yêu cầu phải thuần thục Anh ngữ. Đây là thay đổi kịch tính tại một đất nước từng cố gắng gìn giữ thứ tiếng "quý giá" của họ bằng cách cấm những từ lai tiếng Anh như "le weekend".
Quyết định được đưa ra bởi ENA - Cơ quan Trường học Quốc gia tại Strasbourg, nơi đào tạo quản lý cấp cao dành cho chính phủ Pháp. Tại ENA, lớp tiếng Anh sẽ là bắt buộc cho những ai vào học từ năm 2018.
Theo lý giải của cơ quan, sự thuần thục Anh ngữ là điều kiện cần thiết để lãnh đạo một nhà nước hiện đại. Bước tiến là sự thách thức với những nhà cầm quyền truyền thống như cựu Tổng thống Jacques Chirac. Hồi 2006 ông này thậm chí cam kết sẽ chấm dứt sự lan tràn của tiếng Anh trên toàn quốc.
Là một người từng tốt nghiệp trường ENA, ông Chirac tuyên bố "Chúng ta chiến đấu vì ngôn ngữ mẹ đẻ của đất nước". Ông nói câu trên sau khi nhìn thấy một doanh nhân Pháp phát biểu tại hội nghị Liên minh châu Âu bằng tiếng Anh. Theo cựu Tổng thống Chirac, "chúng ta không thể kiến tạo thế giới dựa trên chỉ một ngôn ngữ, một nền văn hóa".
Còn nay, sự cải cách mới đập tan hoàn toàn những quan niệm cũ. ENA cho rằng sự kỳ thị tiếng Anh đã lỗi thời. Theo ENA, những người đã tốt nghiệp trường, bao gồm Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande cần tiếng Anh để đối phó với những quy luật mới trong tương lai. Ông Hollande nói được rất ít tiếng Anh, thậm chí từng gây cười mắc lỗi sai từ vựng khi viết thư cho Tổng thống Obama năm 2012.
Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ được dùng nhiều hàng đầu thế giới, bên cạnh tiếng Trung và Tây Ban Nha. Quan trọng hơn, đây được xem là thứ ngôn ngữ chung của ngành kinh tế toàn cầu.
Thanh Bình (theo Telegraph, Daily Mail)