Thời sinh viên, mình cũng thích học giỏi tiếng Anh như chúng bạn. Thấy bạn bè xung quanh nghe BBC, mình cũng mở đĩa Headway A nghe thật lực, có khi tới 2-3 tiếng. Nghe nhiều đến mức nhức hết cả tai, mệt phờ cả người. Khí thế được 3 ngày, đến ngày thứ tư, nhìn thấy quyển Headway thì vừa thấy nản, vừa thấy sợ. Thế là vứt sách vứt đĩa, ngồi đợi bao giờ có hứng thì học tiếp.
Thường cái hứng đó chỉ xuất hiện vào những ngày khởi đầu một cái gì đó: đầu năm học mới, đầu năm mới… Nhưng thường thì cảm hứng đó ra đi rất nhanh, rồi mình lại “ngựa quen đường cũ” - không còn động lực học tiếng Anh.
Bạn có nhìn thấy bản thân mình trong câu chuyện của Moon? Giống như mình ngày ấy, hầu hết người học ở Việt Nam gặp những vấn đề sau:
Thứ nhất, học dựa vào cảm hứng. Người ta bảo thích cái gì, học cái đó thì mới hiệu quả. Cái này không sai, nhưng không có nghĩa là chỉ thích mới làm. Trong cuộc sống có rất nhiều thứ mình không thích nhưng vẫn phải làm, mà vẫn phải làm tốt. Cảm hứng là thứ rất dễ đến mà cũng dễ đi, rất bất chợt, không rõ ràng, không đáng tin và không thể phụ thuộc vào nó.
Thứ hai, mục tiêu mơ hồ chung chung. Ví dụ, thấy bạn bè tập nghe tiếng Anh nhiều, thì mình cũng tập theo, nhưng không có mục tiêu cụ thể. Nghe để nghe tốt hơn? Mục tiêu vậy là không rõ ràng. Điều cần nhớ là, mục đích càng rõ ràng, bạn càng dễ thành công. Các bạn có thể đặt ra mục tiêu như trong vòng 3 tháng để điểm nghe cuối kỳ đạt 9/10; hoặc trong vòng 6 tháng có thể giao tiếp với người bản ngữ mà không gặp khó khăn gì.
Thứ ba, “dục tốc bất đạt”. Nhiều người nghĩ, chỉ cần luyện nghe - nói liên tục trong một tháng là có thể giao tiếp tự tin với người bản xứ. Đó là chiến lược sai lầm. Ngựa tốt phải chạy đường dài, người giỏi thì phải nhẫn nại. Không có phương pháp thần thánh nào giúp bạn giỏi ngôn ngữ nếu không kiên trì “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Học ngôn ngữ cần thời gian thực hành để ngấm. Bạn nên học 10 phút mỗi ngày trong vòng 6 tháng, thay vì học một tiếng mỗi ngày, nhưng buổi đực buổi cái.
Nên học tiếng Anh cũng giống như bạn đánh răng buổi sáng. Các bạn có đánh răng buổi sáng sau khi thức dậy không? Mình đoán là có vì đây là nếp giáo dục từ nhỏ của đại đa số các gia đình Việt. Làm sao để hình thành thói quen này?
Đầu tiên, khi còn nhỏ, bố mẹ dạy bạn đánh răng mỗi sáng. Đến khi bạn quen, bố mẹ không hỗ trợ nữa, mà chỉ nhắc bạn tự làm. Ngày nào cũng làm, cứ ngủ dậy, dù mắt nhắm mắt mở, thì cũng vào nhà vệ sinh đánh răng trước. Đến bây giờ, nếu mỗi sáng thức dậy mà không đánh răng, thì ắt hẳn thấy ngứa ngáy khó chịu. Đó là vì bạn đã biến đánh răng trở thành thói quen.
Học tiếng Anh cũng vậy, nếu có thể tự rèn luyện cho bản thân thói quen đúng giờ đó phút đó là bật băng lên nghe, bật mic lên tự luyện thì đã là thành công lớn. Để nếu một ngày, không “súc miệng” bằng mấy phút nghe tiếng Anh buổi sáng thì cảm thấy không thể bước chân ra khỏi nhà. Đến lúc đó, việc học tiếng Anh trở thành một phần quen thuộc của cuộc sống thường nhật, và bạn sẽ làm chủ nó lúc nào không hay.
Đó chính là cách các bạn có thể học giỏi tiếng Anh một cách hiệu quả và tự nhiên.
Moon Nguyen