Thầy giáo Quang Nguyen chia sẻ kinh nghiệm về âm 'o' trong tiếng Anh - Mỹ.
Michigan một ngày cuối tuần, trong câu chuyện cùng những người bạn Mỹ, mình kể:
- In our culture, most women getting married have to stay with their parents-in-law. In some areas, women are not even allowed to take a visit to their parents after marriage.
- That's ODD - người bạn Mỹ của mình nói.
Trên đường về, mình cứ thắc mắc, tại sao không phải là "ót" mà nghe lại giống "át". Rõ ràng bạn mình nói là "át" chứ không phải là "ót" như mình mong đợi.
Ấy thế nhưng nhiều người Mỹ vẫn nói, ví dụ, ODD là 'ood' (mặc dù miệng không tròn vào), thành thử khi mình nói, rất phân vân giữa 'ót' hay 'át'.
Sau này để ý, thấy phần nhiều người Mỹ ở Michigan nói "oh, my GOD" nghe như "ômai gát" í, chứ không phải "ômai gót" như mình tưởng tượng.
Đấy là hồi mình còn nghe tiếng Anh theo bản năng, không có nền tảng gì về phát âm cả. Sau này, khi đã quá chán với việc mình nói tiếng Anh không rõ ràng, và quyết định nghiên cứu phát âm tiếng Anh, mình nhận ra một điều khá lý thú.
Thứ nhất là trong tiếng Anh có 2 âm 'o', và không có cái nào giống âm 'o' trong tiếng Việt.
Thứ hai là âm 'o ngắn' trong tiếng Anh Mỹ ('o' hạ hàm) khác hẳn với âm 'o ngắn' trong tiếng Anh - Anh ('o' tròn miệng). Những người nghe âm 'o' trong tiếng Anh - Mỹ thường nghĩ nó là âm 'a' - ômai gát. Thực ra là không đúng lắm.
Cuối cùng, mặc dù quen miệng gọi là 'o ngắn' với 'o dài', nhưng nó chẳng liên quan gì đến độ 'ngắn' hay 'dài' của âm cả. Hai âm khác nhau như âm 'ơ' khác với 'ô' trong tiếng Việt vậy.
Sau khi hiểu hơn về phát âm tiếng Anh, mình đã đỡ khổ sở hơn rất nhiều khi đi học ở trên trường và giao lưu với bạn bè. Mình hiểu được bản chất, không Việt hóa, nên nghe tiếng Anh dễ hơn nhiều và nói cũng dần dễ hiểu hơn.
Chỉ hối hận một điều là đã không học phát âm từ hồi trước khi đi Mỹ, để đến nỗi sang Mỹ rất lâu mà nghe tiếng Anh vẫn lùng bùng lỗ tai.
Quang Nguyen