Nhiều ngày qua tôi đã đọc và theo dõi báo đài đưa tin về việc tích hợp môn Lịch sử trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới tổng thể gây xôn xao dư luận. Với cương vị là giáo viên dạy Lịch sử, trực tiếp đứng lớp 9 năm liên tục tại một trường THPT, tôi xin chia sẻ suy nghĩ của mình với bạn đọc.
Môn Lịch sử cần cho tình hình chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước hiện nay
Muốn đánh giá bất cứ sự kiện, hiện tượng gì chúng ta cần đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xem xét.
Về mặt chính trị, hiện nay rất nhiều nước xung quanh khu vực có tranh chấp trên biển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, đặc biệt là Trung Quốc, đang xem nhìn nhận lịch sử dân tộc vô cùng quan trọng. Ở Trung Quốc, môn Lịch sử được bắt buộc giảng dạy từ bậc tiểu học cho đến trung học để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, thức tỉnh tinh thần dân tộc khi bước vào công cuộc cải cách xây dựng đất nước, thậm chí còn coi lịch sử là vũ khí phục vụ cho âm mưu bành trướng và “trỗi dậy” của mình. Ở Việt Nam, trong tình hình chủ quyền biển đảo đang diễn ra phức tạp, chúng ta đang phải đối mặt với âm mưu lấn chiếm biển Đông ngày càng rõ ràng của Trung Quốc, thì lịch sử dân tộc trở nên vô cùng quan trọng, trong đó có lịch sử xác lập, đấu tranh và bảo vệ chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa.
Về mặt kinh tế, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới, gần đây nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên châu Á Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Một trong những khó khăn là hàng hóa Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài. Hàng hóa Việt có chất lượng ngang bằng, thậm chí hơn hàng ngoại, nhưng với tâm lý “sùng” hàng ngoại, chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hàng Việt của nhiều người, làm sao để “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”?
Hẳn rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ bài học lịch sử về doanh nhân Bạch Thái Bưởi ở đầu thế kỷ 20. Khi mới bước vào nghề kinh doanh tàu biển - một lĩnh vực bấy lâu đã bị tư sản Pháp và Hoa kiều độc quyền, tư sản Hoa kiều dùng đủ mọi cách để quyết chí đánh bại ông (như hạ giá, khuyến mãi, vốn họ nhiều), trong tình thế đó ông đã thay đổi chiến lược kinh doanh: đổi tên các con tàu của mình thành những tên gợi nhớ về cội nguồn như Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng..., đưa ra khẩu hiệu “Người ta thì đi tàu ta”…
Bạch Thái Bưởi đã tin rằng, sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên tổ quốc mình, xung quanh là đồng bào mình chắc chắn sẽ thắng lợi. Kết quả hành khách dần bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt. Bạch Thái Bưởi được mệnh danh là “Chúa sông Bắc kỳ”, một trong những người Việt Nam giàu nhất đầu thế kỷ 20. Ông đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc như một vũ khí để chiến thắng đối thủ cạnh tranh của mình. Bài học của doanh nhân Bạch Thái Bưởi có lẽ vẫn rất mới với chúng ta ngày hôm nay.
Về mặt văn hóa, toàn cầu hóa đang là xu hướng không thể đảo ngược với mọi quốc gia. Làm sao hòa nhập mà không hòa tan? Đây là bài toán khó đang đặt ra cho nhiều quốc gia không riêng gì Việt Nam. Hiện nay, một bộ phận giới trẻ Việt Nam có lối sống thực dụng, có xu hướng sùng văn hóa ngoại, cho rằng hầu như cái gì ở Tây, Nhật, Hàn cũng văn minh hơn, tốt hơn Việt Nam.
Trên Internet thì đủ loại văn hóa phẩm xấu có thể bủa vây, cám dỗ giới trẻ. Chưa kể đến nhiều thế lực thù địch hiện nay coi văn hóa tư tưởng là “mũi đột phá” để làm xói mòn, lu mờ văn hóa dân tộc tiến tới tấn công vào chế độ chính trị, an ninh quốc gia. Vậy, hơn lúc nào hết cần trang bị cho học sinh một bản lĩnh văn hóa vững vàng để có thể vượt qua các cám dỗ, những xuyên tạc bóp méo sự thật, chắt lọc những điều tốt đẹp để hoàn thiện nhân cách con người vừa tiến bộ vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mà lịch sử và văn hóa luôn gắn liền với nhau, văn hóa được bồi đắp, vun trồng từ lịch sử.
Cách giảng dạy chưa phù hợp
Thực trạng môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay đã được nhiều bài viết đề cập, nhưng ở đây tôi xin trình bày thêm: nội dung chương trình sách giáo khoa đưa ra nặng so với số tiết được phân phối (lớp 10 và 12 là 1,5 tiết/tuần, lớp 11 là 1 tiết/tuần) và chưa cân đối (ví dụ Lịch sử Việt Nam lớp 12 nói nhiều về miền Nam chống đế quốc Mỹ mà ít nói về miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa); thiết kế theo vòng tròn đồng tâm nên khó tránh sự trùng lặp. Tài liệu tham khảo chưa phong phú; sách giáo khoa không có hình màu nào, vì lý do tài chính nhiều trường không thể tổ chức tham quan học tập ở di tích, bảo tàng hay tham gia các hoạt động sáng tạo trải nghiệm...
Nhưng lịch sử vẫn được nhiều em yêu thích nếu giáo viên có cách giảng dạy phù hợp. Với 9 năm đứng lớp giảng dạy Lịch sử, tôi xin chia sẻ vài điều rút ra từ kinh nghiệm giảng dạy của mình như sau:
Thứ nhất, giáo viên cần có bản lĩnh vững vàng về lịch sử dân tộc.
Học sinh bây giờ rất thông minh, nhanh nhạy và có cá tính. Để giáo dục các em yêu quý lịch sử dân tộc thực sự không đơn giản, nhất là nhiều trang mạng cắt ghép lịch sử, rồi đưa ra nhiều quan điểm trái chiều về lịch sử dân tộc dễ tác động xấu tới tư tưởng của học sinh. Nếu giáo viên cho học sinh thoải mái trao đổi thảo luận, các em sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi, nếu giáo viên không có hiểu biết sâu, rộng về những vấn đề bản chất của lịch sử thì không thể thuyết phục được học sinh. Muốn trang bị cho học sinh một quan điểm tư tưởng đúng đắn thì mỗi giáo viên phải có bản lĩnh vững vàng về lịch sử dân tộc.
Thứ hai, luôn có quan điểm khách quan, khoa học và trung thực về các vấn đề.
Trong khi dạy, giáo viên cần khách quan, khoa học, hướng dẫn học sinh nhìn sự kiện, hiện tượng theo nhiều chiều khác nhau, cho các em nhập vai nhân vật lịch sử, suy nghĩ trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Giáo viên sẽ định hướng để học sinh tự rút ra bài học cho mình. Khi dạy về phần chiến tranh cách mạng, nhiều người ít nói hoặc ngại nói về những mất mát, hy sinh của ta, mà nhấn mạnh kết quả thắng lợi, thành ra học sinh nghi ngờ thắng lợi và nghĩ cô giáo đang “tuyên truyền”. Tôi lại nghĩ bản thân các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc là chính nghĩa, nên cứ trung thực và khách quan với vấn đề. Dưới sự dẫn dắt, giải thích của giáo viên, bằng sự hiểu biết và trái tim nhân văn, học sinh sẽ hiểu vấn đề. Sự khách quan, khoa học và trung thực sẽ giúp học sinh hiểu bản chất và thấm lâu.
Thứ ba, không tạo cảm giác lịch sử khó nhớ, khó hiểu cho học sinh, mặc dù các vấn đề xã hội thường phức tạp.
Tôi luôn nhắc học sinh là hãy coi lịch sử của một dân tộc giống như một câu chuyện lớn, trong đó mỗi giai đoạn là một câu chuyện nhỏ, mỗi câu chuyện đều có mở đầu, cao trào và kết thúc. Khi dạy và ôn tập tôi thường dùng mũi tên thời gian để trình bày các sự kiện theo tiến trình lịch sử, mỗi sự kiện trên đó là một lát cắt của lịch sử và thường gắn với những câu chuyện thú vị. Các vấn đề xã hội thường phức tạp, nhưng sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta nhìn nó giống như đang đeo kính vạn hoa sẽ thấy nó muôn màu sắc.
Thứ tư, thấm nhuần triết lý giáo dục “Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống” (Marcus Tullius Cicero).
Lịch sử không chỉ là quá khứ, mọi sự kiện, hiện tượng ở hiện tại đều có sợi dây từ quá khứ, hiểu quá khứ để tránh lặp lại những vấp váp, sai lầm và từ đó có thể dự báo tương lai. Mỗi bài học, tôi thường yêu cầu học sinh nhớ một nhân vật mà em thích, có thể là anh hùng giải phóng dân tộc, anh hùng kinh tế… Cuộc đời, số phận của những nhân vật tiêu biểu luôn cho ta nhiều bài học sâu sắc ở hiện tại. Khi giao vấn đề cho học sinh làm nhóm, cần khuyến khích phần đặt vấn đề bắt đầu từ thực tế, cho điểm cao phần phản biện của các nhóm, đặc biệt luôn nhắc học sinh cần tìm kiếm những giá trị của nó với cuộc sống hiện tại.
Trên đây là những điều tôi đang áp dụng trong giảng dạy Lịch sử. Ngày 20/11 vừa qua, tôi đã nhận được nhiều lời chúc mừng, chia sẻ, tâm sự của học sinh. Qua đó, tôi đã hiểu mình đang đi đúng hướng.
Về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi có ý kiến như sau:
Lực lượng quan trọng nhất để giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chính là các giáo viên, những người được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Phim ảnh, truyện tranh, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các tác phẩm văn học hay tham quan bảo tàng là những cách thức, phương tiện khác nhau giúp học sinh có thể hiểu sâu về một phần nào đó của lịch sử. Nhưng để có cái nhìn toàn diện, bản chất vấn đề thì chỉ có những giáo viên lịch sử được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp mới có thể trang bị cho học sinh một bản lĩnh lịch sử dân tộc.
Nếu theo dự thảo, bên cạch việc thầy cô vừa phải nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, vừa phải kết nối, lắp ghép lại kiến thức lịch sử ở 4 phần (các phân môn và chuyên đề) sao cho bài học đảm bảo tính hệ thống, toàn diện, lại phải đi bồi dưỡng, đào tạo lại để có thể dạy tích hợp được 3 môn (Công dân với Tổ quốc, Quốc phòng - An ninh và Lịch sử), quả thật là khó có thể đam mê và hứng thú. Nếu thầy cô không đam mê, sáng tạo làm sao có thể truyền cảm hứng môn học tới học sinh?
Cảm ơn dư luận xã hội đã lên tiếng về môn Lịch sử!
Từ nhiều năm trước đây dư luận xã hội đã phê phán gay gắt thực trạng kiến thức lịch sử yếu kém của học sinh, rồi việc cả hội đồng thi có một thí sinh thi Sử, nhiều người không khỏi xót xa. Đó là hồi chuông báo động đối với những giáo viên dạy lịch sử hời hợt, với những người biên soạn chương trình sách giáo khoa Sử và trên hết là với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Gần đây trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định tích hợp môn lịch sử vào Công dân với Tổ quốc thì dư luận lại lên tiếng, hầu hết ý kiến cho rằng môn Lịch sử là quan trọng, không thể xem nhẹ. Một đồng nghiệp của tôi đang than chán vì xã hội quay lưng với Sử, lại thêm dự thảo đổi mới của Bộ Giáo dục muốn bỏ rơi Sử. Sau khi đọc nhiều bài báo và xem các bình luận, đồng nghiệp của tôi đã vui vẻ, phấn chấn hẳn lên và nói: "Xã hội vẫn coi trọng môn lịch sử, mình thấy yêu nghề hơn hẳn".
Tôi rất chia sẻ với trách nhiệm nặng nề của Bộ khi ở vai trò đầu tàu đưa giáo dục Việt Nam sang một trang mới. Đổi mới là cần thiết, cấp bách, nhưng đề nghị Bộ lắng nghe kỹ ý kiến của các chuyên gia, các giáo viên trực tiếp đứng lớp. Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy để môn Lịch sử độc lập và bắt buộc như vị trí cần có của nó. Sau những gì đã diễn ra, tôi tin nhiều giáo viên dạy Lịch sử sẽ hết mình lao động, sáng tạo trong giảng dạy để truyền cảm hứng, tình yêu với lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ.
Hiện nay, môn Lịch sử với Tiếng Việt - Văn học, Toán đều được coi là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Nhưng theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc". |
Lê Thu Hà
Giáo viên dạy Lịch sử, THPT Trần Hưng Đạo, TP HCM