Theo văn bản khẩn vừa được Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm ký ngày 12/12, Sở Giáo dục - Đào tạo được yêu cầu chỉ đạo các trường không tổ chức tham quan, du lịch, sinh hoạt ngoại khóa ở Cần Giờ khi áp thấp nhiệt đới có hướng di chuyển vào TP HCM.
"Tùy theo tình hình mưa bão, Giám đốc ĐHQG thành phố, Sở Giáo dục - Đào tạo và Chủ tịch các quận, huyện có quyền cho sinh viên, học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn", văn bản nêu.
Các sở ngành và 24 quận huyện được yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông. Người dân sống ven sông biển, vùng trũng, lồng bè nuôi trồng thủy sản phải chuẩn bị sơ tán khi có lệnh. Các lực lượng tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia khi cần thiết.
Riêng UBND huyện Cần Giờ được giao sẵn sàng phương án di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ có nhà tạm bợ, ven sông đến các địa điểm an toàn ngay khi có lệnh của UBND thành phố.
Theo phương án chuẩn bị, huyện sẽ di dời khoảng 1.300 hộ dân (4.000-5.000 người) khu vực ven sông biển ở tạm tại các trường học, đồn biên phòng... Vấn đề lương thực, thực phẩm cũng đã được tính toán để bảo đảm cho người dân khi di dời.
Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra phương án bảo vệ kho hóa chất, các bãi rác khi mưa gây ngập úng trên diện rộng; Sở Công thương chuẩn bị lương thực, nước uống để phục vụ việc di dời dân trong thời gian tránh áp thấp nhiệt đới.
Thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn phải trực tiếp xuống xuống địa bàn được phân công để kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện biện pháp ứng phó tình hình mưa bão.
Cũng theo Phó chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm, do áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa to đến rất to, đồng thời mực nước trên sông Sài Gòn đang lên cao và mực nước ở hồ Dầu Tiếng cũng vượt mức bình thường, khả năng phải xả tràn, nên các địa phương phải chuẩn bị cho việc chống ngập úng.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khoảng 13h ngày 13/12, tâm áp thấp nhiệt đới sẽ ở trên đất liền các tỉnh Bình Thuận - Bến Tre với sức gió mạnh nhất đạt cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 7-8. Áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa lớn đến rất lớn cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (100-200 mm) và khu vực Nam Bộ (50-100 mm), trong mưa có thể xảy ra lốc xoáy.
Hữu Nguyên