Thời gian gần đây, ba phương án cho kỳ thi quốc gia chung có thể được áp dụng vào năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đề tài được các trường ĐH, chuyên gia giáo dục, giáo viên, phụ huynh, học sinh bàn tán xôn xao, trong đó có không ít ý kiến trái chiều.
Trước làn sóng tranh luận ào ạt, nam sinh lớp 12 Nguyễn Đắc Toàn đã viết thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thẳng thắn chia sẻ nỗi bức xúc, hoang mang của mình và bạn bè về đề án thi mới cũng như những hạn chế của giáo dục Việt Nam.
Theo nam sinh này, nền giáo dục của ta quá chú trọng vào lý thuyết, ít quan tâm thực hành nên học sinh không phát triển toàn diện được. Đặc biệt, "cách dạy của đa số giáo viên hiện nay đã biến những con người như chúng em trở thành những chú vẹt đủ màu sắc... Giáo viên không cho học sinh thể hiện cách diễn đạt riêng mà ép chúng em vào những khuôn khổ, luật lệ", Toàn viết.
Nam sinh lấy ví dụ, để kiểm tra mức độ hiểu bài, giáo viên sẽ đưa học sinh một xấp đề cương, kêu về nhà học thuộc, sáng hôm sau lên trả bài, chỉ cần đọc đúng hết sẽ được điểm cao.
Một điểm bất cập nữa của giáo dục được Toàn nêu ra là việc học sinh phải học quá nhiều môn, trong đó không ít môn "chẳng có ý nghĩa gì khi vào đại học và cũng không phục vụ gì cho cuộc sống tương lai". Chuyện giáo viên đều dạy theo một khuôn mẫu, nhàm chán khiến học sinh chẳng hứng thú nghe bài, tìm tòi, học hỏi.
Cuối tâm thư gửi cho Bộ trưởng, Nguyễn Đắc Toàn đề nghị, nếu có thay đổi Bộ Giáo dục cần báo sớm cho học sinh.
Lá thư nam sinh gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận được nhiều sự đồng tình từ dư luận, nhất là việc phản ánh nền giáo dục quá chú trọng lý thuyết, học nhiều môn. Song không ít độc giả cho rằng việc chỉ trích một số môn học của Toàn là chưa đúng. "Thế giới mà em đang có, đang hưởng thụ ngày hôm nay là thành quả của sự phối hợp tất cả các môn học một cách đúng đắn. Sai là ở người vận dụng chứ bản thân môn học không sai", nickname Thành Nam viết.
Quỳnh Trang