Chiều 28/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua. "Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng chương trình môn học và hoạt động giáo dục", Bộ Giáo dục cho biết.
So với dự thảo công bố ngày 12/4, bản mới này đã có nhiều thay đổi. (Chi tiết chương trình mới)
2 giai đoạn giáo dục: cơ bản và định hướng nghề nghiệp
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). So với dự thảo công bố ngày 12/4, cách phân chia này có sự thay đổi, lớp 10 không còn là giai đoạn dự hướng nghề nghiệp. Hệ thống môn học được chia thành bắt buộc và tự chọn, thay vì bốn loại như dự thảo trước.
Để phù hợp với từng giai đoạn giáo dục, chương trình mới bố trí môn học bắt buộc và tự chọn khác nhau giữa các cấp. Ở tiểu học và THCS, để cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản, học sinh phải học tất cả môn văn hóa, thể chất, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn tự chọn chỉ còn Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2 (tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1-2). Trong dự thảo ngày 12/4, học sinh được chọn học một số chủ đề/học phần có tính bắt buộc.
Ở cấp THPT, học sinh được lựa chọn nhiều môn hơn, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân. Cụ thể, nội dung bắt buộc gồm các môn học và hoạt động giáo dục cơ bản là: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn.
Để giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, chương trình mới có các chuyên đề học tập bắt buộc. Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập, tạo thành cụm. Ở mỗi lớp 10-12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.
Môn học tự chọn ở cấp THPT cũng là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Tên môn học quen thuộc, thống nhất giữa các cấp
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua có sự kế thừa môn học hiện nay và thống nhất giữa các cấp. Có một số môn quen thuộc như: Đạo đức; Tự nhiên và xã hội; Tin học và Công nghệ...
Theo sự tăng dần của cấp học, các môn này cũng được "phát triển" thành tên gọi mới, lần lượt như: Giáo dục công dân; Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; Công nghệ và hướng nghiệp.
Ở dự thảo trước có nhiều môn học với tên gọi mới lạ như: Giáo dục lối sống; Cuộc sống quanh ta; Thế giới công nghệ...
Giảm thời lượng học trong năm
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quy định, thời gian thực học trong năm là 35 tuần, giảm 2 tuần so với bản dự thảo công bố ngày 12/4.
Tổng số tiết học trong năm và số tiết trung bình trong tuần của chương trình mới ở cấp tiểu học ít hơn dự thảo trước. Cụ thể, học sinh lớp 1-2 học sinh chỉ phải học 1.015 tiết với 29 tuần trong năm, giảm 132 tiết và 2 tuần học. Học sinh lớp 3 học 1.085 tiết và 31 tuần, ít hơn 62 tiết. Học sinh lớp 4-5 đều học 1.120 tiết, giảm 64 tiết so với dự thảo trước đó.
Tiếp thu ý kiến về thời lượng tiết học ở các lớp tiểu học không thống nhất, gây khó khăn cho trường trong việc bố trí giờ ra chơi của học sinh, chương trình mới quy định, mỗi tiết học ở bậc tiểu học dài 35-40 phút. Với cấp THCS và THPT độ dài mỗi tiết là 45 phút. Giữa các tiết học có thời gian giải lao cho học sinh.
Giảm thời lượng nhiều môn học
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được thông qua đã giảm thời lượng học của một số môn so với dự thảo ngày 12/4. Đây cũng là điều được nhiều người góp ý khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến dư luận.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, môn Toán thống nhất là 175 tiết cho lớp 2-5 và 105 tiết cho lớp 1; trước đây Toán lớp 5 là 210 tiết. Môn Đạo đức (theo dự thảo 12/4 là Giáo dục lối sống) đều là 35 tiết cho lớp 1-5, giảm 35 tiết ở các lớp 1-3. Môn Tin học và Công nghệ là 70 tiết cho toàn cấp tiểu học.
Ở cấp THCS, môn Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ đều giảm 17,5 tiết. Tuy nhiên, chương trình mới tăng thời lượng học cho các môn tự chọn từ 58-60 lên 105 tiết; thêm 35 tiết cho nội dung giáo dục bắt buộc của địa phương.
Cấp THPT, có sự giảm mạnh thời lượng môn học so với dự thảo trước. Cụ thể, môn Ngữ văn có 105 tiết, giảm 35. Các nhóm môn tự chọn đều chỉ có 70 tiết trong khi dự thảo trước là 140 tiết.
Một số nội dung về yêu cầu phẩn chất và năng lực, đánh giá học sinh ở chương trình mới cũng thay đổi theo hướng rõ ràng hơn so với bản trước đây.