Hồng Phong là xã vùng 3 của huyện Bình Gia, con đường từ trung tâm huyện đến xã đã được trải nhựa nhưng muốn tới được điểm trường Vằng Phya phải men theo con đường đất nhỏ ven sông. Một bên là vực sâu, một bên là núi cao, đường lởm chởm đá, ngày nắng chạy xe đã khó, vào ngày mưa nếu người đi xe máy nếu không vững tay lái rất dễ bị ngã.
Để đến điểm trường, thầy cô và học sinh phải vượt qua 5 khe suối và dòng sông Văn Mịch. Khi đi bè mảng, học sinh được ưu tiên ngồi riêng trong chiếc “cũi” nhỏ, tất cả không có áo phao. Cái rét ngọt vùng núi cùng hơi sương lạnh phả vào mặt, luồn trong áo nhưng nhiều học sinh đến lớp chỉ với manh áo mỏng nên để làm ấm người, các em phải xoa tay vào nhau.
Cô giáo Phùng Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng trường mầm non xã Hồng Phong cho biết, tại điểm trường Vằng Phya có tổng cộng 56 học sinh trong đó 23 cháu mầm non ở tất cả các lứa tuổi. Nhiều em phải đi bộ 4-5 km mới tới trường.
“Đường xá khó khăn nên những ngày mưa lũ, nước dâng cao chúng tôi buộc phải cho các em nghỉ học", cô hiệu trưởng nói.
Ba dãy lớp học tạm được dựng lên bằng gỗ, tre, nứa, mái tôn do người dân đóng góp. Những ngày mùa đông, để tránh gió lùa, thầy cô đóng tất cả cửa, chỉ có những tia sáng len qua khe hở rọi vào lớp. Mùa hè, lớp mầm non là vất vả nhất. Dưới mái tôn nóng hầm hập, vào buổi trưa các cháu khó ngủ, hai cô giáo phải thay nhau quạt tay.
Học sinh tiểu học nếu học hai ca sẽ đem theo cặp lồng cơm đến lớp. Buổi trưa, các em ngồi túm tụm thành từng nhóm, giở cặp lồng có cơm trắng với chút rau, cá mắm khô, ăn nhanh để còn chạy ra sân chơi.
Đối với lớp mầm non, mỗi ngày sẽ có một phụ huynh thay phiên đến nấu cơm. Thứ 2 và thứ 3, thầy cô mua thịt, rau xanh từ ngoài thị trấn vào. Từ thứ 4, các bữa ăn chỉ có trứng và những loại củ dành được lâu ngày như khoai tây, khoai sọ, bí đỏ...
Anh Liễu Văn Tăng, phụ huynh học sinh mầm non cho hay, mỗi tháng, củi, gạo đều được phụ huynh đóng góp. “Dù khó khăn, chúng tôi vẫn muốn con được đến lớp để sau này thoát nghèo”.
Có 9 thầy cô giáo dạy học tại điểm trường Vằng Phya, tất cả đều ở lại trong những lán nhỏ dựng cạnh lớp học. Buổi tối do không có điện, các giáo viên thắp đèn dầu rồi miệt mài viết giáo án.
Cô giáo Hứa Thị Dõi chia sẻ: “Khi mới đến đây, nhớ nhà lắm, pin điện thoại phải tiết kiệm từng chút nên thi thoảng tôi mới gọi điện cho gia đình. Tôi chỉ mong sao học sinh được hỗ trợ áo phao khi vượt sông và sớm điện lưới để thầy cô, học trò có điều kiện dạy, học tốt hơn”.
Tại xã Hồng Phong không chỉ có riêng điểm trường Vằng Phya mà tại một số điểm trường khác như Nà Sản, Kim Đồng thầy cô và học sinh cũng phải học, sinh hoạt trong điều kiện khó khăn.
Hồng Vân