Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có điều kiện ở trung tâm TP HCM, tôi khá may mắn so với rất nhiều bạn trẻ đồng trang lứa bởi được chăm sóc và trưởng thành trong môi trường no đủ.
Tôi có điều kiện tiếp xúc với môi trường giáo dục toàn diện, được ăn học nên người. Do quen được chiều chuộng, tôi có xu hướng nhận nhiều hơn là cho, tôi không có được sự đồng cảm với mọi người xung quanh.
Nhưng đến khi bước chân vào giảng đường đại học, trực tiếp tham gia công tác Đoàn, thường xuyên đi tình nguyện, giúp đỡ những người nghèo khó. Tôi bắt đầu được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khác nhau từ mọi miền đất nước.
Khi đó, tôi như bừng tỉnh khi nhận ra rằng, thời gian qua tôi đã sống ích kỷ - chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Trong khi còn nhiều bạn trẻ, cảnh đời - họ phải ngày ngày đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, song họ vẫn ý chí để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Là một độc giả gắn bó với VnExpress, khi biết đến chương trình "Học bổng Đèn Đom Đóm", tôi nhớ đến hoàn cảnh 2 anh em Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Thị Kim Thảo, hiện sống tại ấp Chàm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.
Còn nhớ, trong chuyến công tác xã hội hồi năm 2014, nhóm chúng tôi gồm hơn 10 người có mặt tại ấp Chàm Lạc phát quà bánh trung thu cho các em trong xóm. Tôi đã gặp Hiếu ở độ tuổi 15-16. Dáng người cao, ốm và đen nhẻm. Khi được hỏi, Hiếu có chia sẻ là "do em đi phụ hồ, phơi nắng ở công trường nhiều nên mới đen vậy".
Tôi đã không khỏi ngạc nhiên, vì ở cái tuổi đó, cậu bé này đã phải đi phụ hồ để mỗi ngày được trả 150.000 nghìn đồng với công việc nặng nhọc - lẽ ra dành cho người lớn, có sức khỏe.
Theo lời Hiếu, trước nhà em ở quận 12, TP HCM nhưng do biến cố gia đình, ba mẹ em làm ăn thất bại nên họ phải dời xuống vùng đất này sinh sống.
Gia đình em hiện thuê nhà. Mẹ mở quán nước kèm bán đồ ăn như chè, bánh ngọt trước nhà. Còn ba thì đi làm hồ, sáng sớm Hiếu theo đi làm đến tối mịt mới về. Có những lúc công trường quá xa như ở Nhà Bè, Bình Chánh thì hai ba con ngủ lại trong công trình. "Ngủ lại thì lạnh lắm, chỉ có lấy mấy cái bao đựng xi măng lót rồi kiếm vải áo che thêm", em kể lại.
Hiếu có tâm sự, trước đó, gia đình em có điều kiện, em ham chơi, không chú tâm học. Nay ba mẹ gặp khó khăn, không thể đóng tiền học cho 2 anh em nên Hiếu đành tạm gác việc học lại theo ba đi phụ hồ. "Bây giờ ra đời rồi em mới hiểu thế nào là cực khổ kiếm tiền. Giờ em muốn đi học lại thì có quá nhiều khó khăn rào cản", em nói.
Em gái Hiếu tên là Thảo, cao nhưng người ốm và đen như anh trai. Thảo rất ham học và chăm chỉ, ngoài giờ đến lớp, em về nhà tự làm bài tập rồi theo phụ bà đi nhặt đậu, trên đường đi có gặp được chai nhựa hay lon gì là đem về để dành bán ve chai.
Gánh nặng nhà trọ, rồi phải lo cho bà nội, lo cho Thảo ăn học khiến ba mẹ 2 em ngày càng mệt mỏi. Hiện tại chỉ có ý chí và nghị lực sống mới giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống mưu sinh này.
Sau khi đã tìm hiểu rõ thêm thông tin và xin được ảnh của Thảo, tôi hy vọng những chia sẻ của mình được chương trình đón nhận. Hoàn cảnh đáng thương của một cậu bé 15 tuổi phải nghỉ học sớm đi làm và một cô bé may mắn được đi học đã ám ảnh tôi sau chuyến công tác đó.
Cả Thảo và Hiếu đều rất cần được đến trường và ít nhất là hoàn tất bậc trung học. Các em cần có được một điểm tựa vững chắc về mặt tri thức, bởi chỉ có tri thức mới giúp các em thoát nghèo. Tôi hy vọng qua chương trình các em sẽ đón nhận nhiều hơn sự chia sẻ của cộng đồng để ước mơ đến trường của Hiếu cùng em gái sẽ không bị dang dở.
Nguyễn Văn Dũng