Chiều 3/2, ĐH FPT tổ chức tọa đàm "smart Education" (giáo dục thông minh) với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục. Hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam Đàm Quang Minh cho rằng, xã hội đang bị thay đổi bởi những sản phẩm ưu việt. Vì vậy, năm 2015 smart education là lựa chọn của ĐH FPT.
"Công nghệ thông tin đã len lỏi vào mọi công việc, các cuộc trò chuyện, các mối quan hệ. Giáo dục cũng phải theo quy trình đó, nhưng đây lại là mảng đang chuyển biến rất chậm. Đến giờ ngành giáo dục vẫn đang loay hoay bàn bạc những mô hình mà thế giới đã áp dụng từ lâu, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể đón đầu xu thế mới", anh Minh nói.
Theo Hiệu trưởng ĐH FPT, quan hệ của người học và môi trường học đã hoàn toàn thay đổi. Nguồn tri thức từ ngôi trường cổ kính đã được dịch chuyển qua Internet, và thư viện ảo mới là nơi quan trọng. Trước đây, người thầy là kho tri thức để người học dựa dẫm vào, noi theo, còn bây giờ mỗi người đều có kho tri thức Google, và người thầy trở thành người tạo động lực cho học sinh.
"Đã đến lúc Việt Nam cần đánh giá lại trường đại học phù hợp với xu thế thế giới và đáp ứng được nhu cầu ở Việt Nam. Phải định hướng giáo dục thông minh, đặc biệt là thời điểm sau THPT", anh Minh nói.
TS Trần Thế Trung, Viện trưởng Nghiên cứu Công nghệ FPT thì coi công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng giúp thầy có những bài giảng online, trò có thể học qua Internet. Công nghệ thông minh cũng gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp -nhà trường - sinh viên. Doanh nghiệp sẽ được tiếp cận công tác nghiên cứu khoa học, làm bài tập của sinh viên trong nhà trường, đồng thời đánh giá năng lực sinh viên, theo dõi ứng viên tiềm năng, nhận định dự án phù hợp để đầu tư phát triển.
Nếu nhà trường áp dụng công nghệ thông tin, học sinh có thể thỏa sức sáng tạo trong việc học, dễ dàng tương tác với giáo viên, chia sẻ cũng như truy cập tài nguyên học tập. Đặc biệt, các em sẽ tăng khả năng tiếp cận nhà tuyển dụng để tìm kiếm cơ hội việc làm. Còn đối với giáo viên, việc giảng dạy cũng sẽ thuận lợi hơn nhờ các phương tiện hỗ trợ hiện đại, tương tác hiệu quả với sinh viên mà không tốn quá nhiều thời gian.
Là giám đốc một dự án công nghệ giáo dục, thạc sĩ Dương Trọng Tấn rất tâm đắc với mô hình giáo dục thông minh, trong đó thầy thực hiện bài giảng video gửi cho sinh viên học trước, và giờ lên lớp sẽ trở thành giờ tương tác giữa giáo viên và sinh viên.
"Trước đây giáo viên quyết định chân lý trong giờ học, nhưng từ lâu thế giới lấy sự học của học sinh làm trung tâm. Giáo viên lùi lại phía sau để sinh viên tiến lên phía trước, từ đó đánh giá, động viên, khuyến khích các em. Nếu trước kia giáo viên dành phần lớn thời gian cho thuyết giảng thì bây giờ họ phải giúp sinh viên tiêu hoá kiến thức", ông Tấn nhận định.
Là người đầu tiên mở trường học online, TS Giáp Văn Dương cho rằng không thể lấy người học làm trung tâm mà khi đưa công nghệ vào giáo dục phải lấy việc học vì quản trị việc dễ hơn quản trị người. Khi đó, học sinh sẽ học được nhiều hơn. Mặt khác, các khoá học trực tuyến sẽ không giới hạn số người học giúp số người được tiếp cận kiến thức sẽ tăng lên.
"Giáo dục thông minh theo tôi phải bao gồm dạy thông minh, học thông minh, chương trình thông minh và quản trị thông minh. Các trường học bên cạnh nghiên cứu cần đầu tư dạy kỹ năng mềm như tư duy, tinh thần lãnh đạo, đổi mới sáng tạo... cho sinh viên", TS Giáp Văn Dương góp ý.
TS Dương cũng phân tích tính ưu việt của giáo dục thông minh, đó là công nghệ sẽ giúp cho trường học không quá phụ thuộc vào người thầy. Những ngôi trường chuyên về phong cách sống, xây dựng lộ trình trưởng thành cho người học sẽ hình thành. Từ đó, học sinh biết lo cho bản thân, sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh.
Hoàng Thùy