Sau nhiều thông tin trái chiều từ Đại hội cổ đông bất thường do nhóm 30% cổ đông tổ chức, chiều 4/8, bà Bùi Trân Phượng cho biết, dù ngày nghỉ nhưng HĐQT và ban lãnh đạo trường đã làm việc để trình cơ quan chức năng về tính bất hợp lệ, cùng những cáo buộc không đúng sự thật về hiệu trưởng và HĐQT của trường. Sự việc đã khiến sinh viên và giảng viên của trường rất hoang mang.
Khẳng định những mâu thuẫn trong nhà trường đều bắt nguồn từ tài chính, bà Phượng nói: "Giáo dục thì không thể 'ăn xổi ở thì', đầu tư giáo dục phải là đầu tư lâu dài. Ngoài lợi ích của cổ đông cần phải tính đến lợi ích của nhà trường, sinh viên, giảng viên và cả người sử dụng lao động. Lộ trình chuyển đổi này còn dài lắm. Chúng tôi rất mong mọi thành viên có thể ngồi lại với nhau để đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả mọi người".
Ban đầu, Hoa Sen là trường cao đẳng bán công. Khi thành lập đại học, Nhà nước quy định bỏ hình thức trường bán công, thay bằng mô hình công lập hoặc tư thục. Do vậy, Hoa Sen trở thành ĐH tư thục, hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.
Đến năm 2012, Luật Giáo dục ra đời quy định mô hình "phi lợi nhuận" đổi thành "hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận". "Trên thực tế hai mô hình này chỉ khác nhau về thuật ngữ, từ "phi lợi nhuận" là do Nhà nước dùng, còn "hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận" là từ quy định trong Luật, mọi hoạt động khác không hề thay đổi", bà Phượng giải thích.
Năm 2013, Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực, quy định việc chia cổ tức không còn do HĐQT tự quyết mà phải tuân thủ nguyên tắc: "chia cổ tức cho các cổ đông hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ".
"Trước thông tin này, động cơ và lòng tham của nhiều người bắt đầu lộ ra. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2013, nhiều cổ đông đòi chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30%, thậm chí là 35% lợi nhuận. Trong khi những năm trước đó, mức chia này chỉ khoảng 5% trở lại. Dù rất khó khăn, HĐQT vẫn trả cổ tức tới 20%. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay", bà Phượng nói.
Việc chuyển đổi mô hình "lợi nhuận" sang "hoạt động không vì lợi nhuận", theo bà Phượng, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn nội bộ. Cả hai mô hình này đều không đủ 65% biểu quyết của cổ đông, nên ĐH Hoa Sen vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Ông Trần Văn Tạo - Chủ tịch HĐQT trường Hoa Sen (Luật sư, nguyên Phó giám đốc Công an TP HCM) không giấu được vẻ mệt mỏi trước những lùm xùm của trường. Ông cho rằng, việc bầu hay bãi nhiệm các thành viên HĐQT là chuyện bình thường, nhưng những vấn đề nêu ra tại đại hội hôm 2/8 phải được minh bạch để không ảnh hưởng đến trường.
Nói về tính pháp lý của đại hội cổ đông bất thường này, ông Tạo phân tích, dù nhóm 30% cổ đông nắm giữ 70,5% cổ phần nhưng nhiều cổ phần của công ty IC và Co-Oridinate (là hai công ty góp vốn ở ĐH Hoa Sen) đang có tranh chấp nên phải xem xét tính pháp lý. Hơn nữa, nhóm cổ đông này không làm đúng quy trình khi trước đó đã đề nghị Ban kiểm soát trường tổ chức đại hội cổ đông. "Trong lúc Ban kiểm soát đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết thì nhóm cổ đông này đã tự đứng ra tổ chức. Theo luật định thì đại hội này không hợp lý", ông Tạo nói.
Liên quan số tiền 119 tỷ đồng không minh bạch, ông Tạo cho rằng do hoạch toán sai. Một phần trong đó là tiền học phí thu trước của sinh viên cho những năm học sắp tới nên không thể đưa ra quyết toán trong năm nay.
Theo ông Tạo, trong quá trình quyết toán, hiệu phó tài chính của trường đã cố tình làm sai nên HĐQT đã làm tờ trình miễn nhiệm, bổ sung thu chi và khắc phục hậu quả. "Các thành viên khác của HĐQT cũng có trách nhiệm trong sai phạm này", ông Tạo nói, đồng thời khẳng định những cáo buộc được đưa ra trong đại hội cổ đông bất thường trước đó không có cơ sở pháp lý và tính chính xác.
Trước đó, ngày 2/8, 30% cổ đông của ĐH Hoa Sen, trong đó có ông Nguyễn Trung Đức - một thành viên HĐQT - tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Đại hội đã biểu quyết về việc bãi nhiệm HĐQT trường ĐH Hoa Sen. 7 thành viên đã được đưa ra biểu quyết, trong khi ông Nguyễn Trung Đức và bà Phạm Thị Thủy (phó hiệu trưởng) được phần lớn cổ đông biểu quyết tại vị thì 5 thành viên còn lại của HĐQT gồm cả chủ tịch đều bị bãi nhiệm.
Đại hội đã tiến hành bầu mới các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát. Kết quả này chưa có giá trị ngay mà cần sự phê duyệt của Sở GD&ĐT cùng UBND TP HCM.
ĐH Hoa Sen được xem là một trong những trường tư thục thành công nhất ở TP HCM. Mức học phí 50-65 triệu đồng/năm, trường vẫn có hàng nghìn sinh viên đăng ký học mỗi đợt tuyển sinh.
Nguyễn Loan