Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Đại học Hà Nội và Đại học Tài chính - Marketing giai đoạn 2015-2017. Hai trường được chủ động khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện, hội nhập quốc tế; đồng thời bảo đảm sinh viên nghèo, sinh viên diện chính sách có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, ĐH Hà Nội sẽ đổi mới về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính; chính sách học bổng, miễn giảm học phí... Trường cũng sẽ thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức liên kết đào tạo với các cơ sở có uy tín trong và ngoài nước, khuyến khích ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học gắn với thị trường, nhu cầu xã hội.
ĐH Hà Nội sẽ thu học phí ổn định theo kế hoạch với mức thu bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014-2015 là 7,8 triệu đồng mỗi sinh viên. Năm học 2015-2016 tăng lên 12 triệu đồng mỗi sinh viên một năm và đến năm học 2016-2017 là 14 triệu đồng mỗi sinh viên.
Đối với Đại học Tài chính - Marketing, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép trường được chủ động mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu xã hội; đồng thời mở các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ theo nhiệm vụ được giao.
ĐH Tài chính - Marketing sẽ thu học phí bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng một người học; năm 2016-2017 là 16,5 triệu đồng mỗi người học. Mức thu học phí đang áp dụng trong năm học 2014-2015 được giữ nguyên.
Một thay đổi lớn trong việc chi trả tiền lương cho cán bộ, giáo viên của trường là ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, ĐH Tài chính - Marketing sẽ quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ.
Hoàng Thùy