Trao đổi với VnExpress, GS Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) trăn trở, từ 1980 đến nay Việt Nam vẫn chưa làm được chương trình, bộ sách giáo khoa (SGK) theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp. "Muốn đổi mới chương trình và SGK chuẩn phải thay đổi gốc tư duy, cụ thể là con người và tổ chức. Tiền chỉ là một phần để đổi mới", GS Hãn nói.
Theo GS Hãn, năm 2011 Bộ Giáo dục dự kiến chi 70.000 tỷ đồng (xấp xỉ 3,5 tỷ USD) để đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nay lại dự kiến 34 nghìn tỷ (1,7 tỷ USD). “Nhưng nếu vẫn con người cũ, cách làm cũ thì có đầu tư đến 34 tỷ USD cũng không làm được vì đến nay vẫn chưa có tổng chỉ huy về mặt học thuật, nhận thức tính khoa học của công việc này còn nhiều bất cập”.
Tổng chỉ huy phải là người biết cách làm chương trình-SGK, biết trả lời công luận làm chương trình-SGK như thế nào để học sinh tốt nghiệp xong phổ thông có thể vào học ở Harvard hay ĐH tổng hợp Lomonosov. Ngoài những môn tự nhiên, người tổng chủ biên cũng phải biết chỉ đạo sách giáo khoa Văn, Sử, Địa... viết theo hướng nào? Người đó cũng phải đối thoại công khai với công luận tại sao làm thế này chứ không làm theo kiểu khác?.
GS Hãn cho hay, từ năm 1980 đến 2002, cách làm chương trình-SGK theo kiểu cắt khúc, cuốn chiếu, vừa chạy vừa xếp hàng với lối tư duy lạc hậu và tùy tiện đã phá vỡ tổng thể khoa học. Càng làm càng sai, càng tốn tiền và giáo dục ngày càng méo mó, bất ổn triền miên.
“Chương trình - sách, thầy và cơ sở vật chất là 3 yếu tố cực kỳ quan trọng với giáo dục. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay cả 3 đều có vấn đề nghiêm trọng”, GS Hãn nói và cho hay, nếu phải lựa chọn 1 thì phải chọn chương trình-SGK vì cách đây 600 năm, "Tứ thư, Ngũ kinh" vào nước ta, lúc đó chưa có thầy cô, trường lớp, chỉ người này dạy người kia nhưng vẫn có người tài. Thời chiến, có nơi phải mượn đình chùa làm lớp học, thầy giáo chưa được đào tạo như ngày nay... “Nhưng giáo dục lúc đó miễn phí và vẫn là một bông hoa đẹp của chế độ. Hiện nay giáo sư, tiến sĩ tăng lên tới hàng vạn mà vẫn không làm được những việc mà thế hệ trước đã làm”, GS Hãn buồn rầu.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Giáo dục thì góp ý, trước khi đổi mới, Bộ phải biết tổng kết tóm tắt mặt được, mặt không được của chương trình từ 1981 đến 2000 và từ 2001 đến 2012 trước khi đặt vấn đề đổi mới chương trình-SGK sau 2015. Bên cạnh đó, Bộ cần xem lại cơ cấu của bậc học phổ thông nhất là THPT, xem tự chọn nghĩa là thế nào? Mục tiêu cấp học THCS là gì? Các trường ĐH Sư phạm, CĐ Sư phạm phải đổi mới đào tạo ra sao?...
"Bộ GD&ĐT đưa ra từ "khái toán", đấy là từ mù mờ. Một việc quan trọng với tương lai dân tộc, với thế hệ trẻ, từ tiền thuế của nhân dân mà "khái toán" thì không thể chấp nhận được", GS Hạc nhận xét.
Đồng ý với GS Hãn, ông cho rằng làm sách cần có một trung tâm gồm những nhà khoa học, nhà giáo tiêu biểu, nhà phương pháp giảng dạy từ tiểu học đến THPT. Việc trả công cho các tác giả cũng cần phải xứng đáng, bởi với sách hiện hành, nhiều chuyên gia làm xong quyển sách phổ thông chỉ được trả công 3 triệu đồng. "Chúng ta có thể trả gấp 10 lần, hoặc hơn nhưng cũng chỉ du di trong khoảng 100 tỷ".
Theo nguyên Bộ trưởng Giáo dục, nhiều nơi cơ sở vật chất, trường học còn thiếu thốn. Với số tiền Bộ đề xuất từ nay đến năm 2020, phải kiên cố hóa các trường học, ít nhất là trường phải có 1 tầng, có mái bằng. Bộ Giáo dục cần báo cáo hiện có bao nhiêu trường tồi tệ, rồi tính toán số tiền sử dụng.
"Chính phủ chưa bao giờ công khai số tiền chi cho giáo dục mỗi năm. Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí ở Bộ báo cáo cẩn thận với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Nếu Bộ cẩn thận, mọi người sẽ chăm sóc cho giáo dục tốt hơn", GS Hạc tâm sự.
Trước đó, ngày 14/4, trình bày trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, kinh phí dự kiến thực hiện đề án (chưa bao gồm tiền xây cơ sở vật chất còn thiếu) là 34.275 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD. Dự thảo không nhận được sự đồng tình của thường vụ Quốc hội.
PGS Văn Như Cương thì tính toán, chỉ cần 50 tỷ đồng cho việc viết sách. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Đào Trọng Thi thì nhắc nhở, Bộ Giáo dục cần giải trình cho toàn xã hội hiểu. Tối 16/4, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển công bố, số tiền dành cho viết sách chỉ khoảng 105 tỷ, còn lại dành cho các hạng mục khác.
Hoàng Thùy