Đánh trống khai giảng và phát biểu tại THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), GS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT cho biết, năm 1945 Việt Nam có 95% người dân không biết đọc biết viết, đất nước có muôn vàn khó khăn. Nhưng ngày nay, Việt Nam đã là nước phát triển, tham gia sát hạch PISA 2013 đạt kết quả cao.
"Một đất nước 69 năm trước không có tên trên bản đồ thế giới, nay mỗi năm xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD nông, lâm, thuỷ sản; xuất khẩu điện thoại cũng tương tự. Tất cả đều là nhờ giáo dục", ông Nhân nói và nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", "non sông Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu hay không là nhờ vào công học tập của các cháu".
Gọi một học sinh lên, GS Nguyễn Thiện Nhân bất ngờ đặt câu hỏi: "Theo cháu, học để làm gì?". Cô học sinh tên Minh Thu nhanh nhảu trả lời: "Thưa bác, học là để làm người ạ". "Vậy làm người là như thế nào" - "Nghĩa là biết yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, đóng góp sức lực xây dựng quê hương. Nếu thế hệ đầu tiên vững chắc, thì thế hệ tương lai sẽ vươn lên".
Nghe câu trả lời của nữ sinh lớp 9, GS Nguyễn Thiện Nhân nhận xét: "Tôi rất vui, hài lòng và ngạc nhiên với câu trả lời của Minh Thu. Không phải ai cũng trả lời được câu hỏi “học để làm gì”, mà trả lời hay như thế là trình độ đã ngang với nguyên Bộ trưởng Giáo dục rồi đấy. Học không phải chỉ để làm người con hiếu thảo trong gia đình, mà còn để làm công dân tốt. Giáo dục phải cung cấp những con người có hiểu biết và đạo đức để xây dựng đất nước".
Giáo sư cho biết, giáo dục đào tạo là quốc sách nhưng hiện ở vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Số phòng học tạm bợ còn nhiều. Bình quân cho học sinh Việt Nam từ mầm non đến đại học mỗi ngày là một USD, trong khi các nước trung bình khác là 10-20 USD, nước giàu còn nhiều hơn. Vì vậy, học sinh Việt Nam phải cố gắng học cho mình, học cho Hà Nội và học cho đất nước.
Mang đến trường THCS Nam Từ Liêm ba món quà, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết, ông tặng chiếc đồng hồ cho nhà trường với lời nhắn nhủ hãy biết trân quý thời gian. Đó là chiếc đồng hồ to nhưng không có pin. "Muốn đồng hồ chạy các thầy cô phải lên dây bằng tay mỗi tuần họp hội đồng sư phạm. Điều đó giúp nhịp sống nhà trường luôn mới mẻ hơn", GS Nhân nhắn nhủ.
Hai món quà còn lại là chiếc tivi nhằm phục vụ quá trình học tập, giảng dạy của nhà trường và bức tranh lớp học những năm 60, có những học sinh đội mũ rơm. "Mũ rơm mềm, tránh được bom bi. Học sinh thời điểm này học ở dưới hầm, khi đi học đội mũ rơm trên đầu. Mấy chục năm sau người đội mũ rơm thành giáo sư. Điều đó chứng tỏ rằng với tinh thần của người Việt Nam, mũ rơm sẽ chiến thắng", nguyên Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam nói.
Hoàng Thùy