- Một vấn đề được nhiều giáo viên, học sinh... ý kiến về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là chương trình vẫn nặng, chưa giảm tải so với hiện nay. Là tổng chủ biên, ông chia sẻ gì về việc này?
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: Xuân Trung. |
- Chương trình tổng thể mới là bộ khung của chương trình giáo dục phổ thông, chưa cung cấp đủ căn cứ để đánh giá là nặng hay nhẹ. Để đánh giá một cách đầy đủ và chuẩn xác thì phải chờ chương trình cụ thể của các môn học (dự kiến công bố vào tháng 7) và đề cương chi tiết nội dung từng môn.
Tuy nhiên, nếu dựa vào số môn học, có thể thấy chương trình mới ít môn học hơn so với hiện hành và không nhiều hơn chương trình các nước.
Cụ thể, cấp tiểu học hiện nay có 11 môn bắt buộc (gồm tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công, Kỹ thuật, Thể dục) và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc. Trong dự thảo chương trình mới, số môn học và hoạt động này giảm xuống còn 8 ở các lớp 1, 2; ở lớp 3 là 9; và lớp 4-5 là 11. So sánh với thế giới, ở Anh học sinh lớp 1-3 học 10 môn; học sinh lớp 4- 6 học 11 môn. Chương trình của Nhật Bản, lớp 1-2 học 8 môn, lớp 3 là 9 môn, tức là bằng số môn học ở chương trình mới của Việt Nam. Lớp 4-5, họ ít hơn ta một môn.
Ở cấp THCS, chương trình hiện hành có 13 môn bắt buộc và 3 hoạt động giáo dục. Chương trình mới chỉ có 11 môn và hoạt động giáo dục.
Ở cấp THPT, chương trình hiện hành có 13 môn học và 4 hoạt động bắt buộc. Theo dự thảo chương trình mới, lớp 10 có 15 môn học và hoạt động giáo dục. Trong đó, hoạt động trải nghiệm sáng tạo chủ yếu là thực hành, hoạt động nghệ thuật thực chất là sinh hoạt câu lạc bộ nghệ thuật vừa mang lại hiểu biết vừa có tính chất giải trí cho học sinh.
Ở lớp 11-12, chương trình mới có 9 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo chủ yếu là thực hành, vận động; môn Giáo dục thể chất được thực hiện dưới hình thức câu lạc bộ thể thao tự chọn. Như vậy, thực chất học sinh chỉ phải học bắt buộc 6 môn có lý thuyết lẫn thực hành gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 3 môn định hướng nghề nghiệp. Số lượng môn bắt buộc như thế là tương đương chương trình tú tài quốc tế IB yêu cầu học sinh phải chọn ít nhất 6 môn trong số 5-6 nhóm mà chương trình đưa ra.
- Thời lượng môn học trong chương trình giáo dục mới so với các nền giáo dục tiên tiến thì thế nào, thưa giáo sư?
- Theo số liệu của OECD (The Learning Environment and Organisation of Schools, 2009), trong độ tuổi 7-15, tương đương từ lớp 1 đến lớp 9, mức trung bình của các nước thuộc tổ chức này là mỗi học sinh học 7.390 giờ (60 phút/giờ). Còn dự thảo chương trình tổng thể, từ lớp 1 đến lớp 9, mỗi học sinh Việt Nam học nhiều nhất 6.950 giờ, kể cả thời gian tự học dành cho học sinh tiểu học và thời gian học các môn tự chọn.
Nói riêng về chương trình tiểu học thì thời lượng học của học sinh lớp 1 ở Australia là 970 giờ/năm, ở Vương quốc Anh là 890 giờ/năm, ở Phần Lan là 600 giờ/năm. Học sinh lớp 1 Việt Nam theo chương trình mới sẽ học nhiều nhất 670 giờ, bao gồm cả giờ tự học có hướng dẫn và môn học tự chọn.
Tóm lại, chương trình mới đã giảm số môn học, thời lượng học so với chương trình hiện hành. Việc có giảm nữa hay không, chúng tôi sẽ phải cân nhắc bởi điều đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh.
- Vì sao Việt Nam không nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa của các nước phát triển để áp dụng cho giáo dục nước nhà?
- Không có quốc gia độc lập nào "tệ" đến mức phải nhờ nước ngoài viết giúp chương trình và sách dạy con em mình về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn học của chính dân tộc, đất nước mình. Nếu có nước ngoài nào sẵn sàng làm việc đó thì chắc chúng ta cũng không dùng chương trình và sách họ viết giúp được.
Việc nhập khẩu chương trình, sách giáo khoa nước ngoài, giả sử có thực hiện thì cũng chỉ giới hạn ở các môn Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật. Nhưng cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của các nước không giống nhau. Trong khi Việt Nam theo công thức 5 năm tiểu học, 4 năm THCS và 3 năm THPT thì nhiều nước tiên tiến theo công thức 6 + 4 + 2. Cơ cấu giáo dục quốc dân khác nhau mà áp dụng chung một chương trình sẽ khập khiễng.
Bên cạnh đó, các nước tiên tiến cứ 5-7 năm lại thay đổi chương trình. Nếu nhập khẩu chương trình nước ngoài thì Việt Nam sẽ phải canh cánh để ý xem khi nào họ đổi chương trình để đổi theo. Mỗi lần như vậy ta phải đổi luôn cả sách giáo khoa. Điều này chắc chắn là không thể chấp nhận được.
- Chương trình tổng thể có nhiều môn học mới khiến dư luận lo ngại gây xáo trộn trong dạy và học, giáo sư chia sẻ hế nào về điều này?
- Hầu hết môn học có tên mới đều được phát triển trên cơ sở môn đã có trong chương trình hiện hành nên sẽ không gây bỡ ngỡ cho cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông. Ví dụ, từ lớp 1 đến lớp 3 có môn Cuộc sống quanh ta, được xây dựng trên cơ sở môn Tự nhiên và Xã hội trong chương trình hiện hành. Chương trình nhiều nước có môn học này với tên gọi tương tự. Cuộc sống quanh ta giúp học sinh làm quen và có những hiểu biết ban đầu về các hiện tượng tự nhiên, xã hội xung quanh, biết giữ vệ sinh, chăm sóc sức khỏe…
Lên lớp 4-5, môn học này phân hóa thành 2 môn Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội; ở cấp THCS là môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Kiến thức các môn học phát triển dần, phù hợp với quá trình nhận thức của trẻ.
Một hoạt động giáo dục đang được quan tâm nhiều là Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong chương trình mới, có hai loại. Một là hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng môn học nhằm trải nghiệm kiến thức môn học trong thực tiễn. Hai là hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp, học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực và nhóm kỹ năng để trải nghiệm thực tiễn đời sống, phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được phân bổ thời lượng giáo dục riêng trong dự thảo chương trình tổng thể thuộc loại 2. Nội dung gồm các hoạt động tập thể (chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng Tháng Tám, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), các hoạt động tham quan, nghiên cứu thực tế, lao động, vui chơi, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng… Hoạt động này được thực hiện theo tinh thần học sinh tổ chức dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu và điều kiện thực hiện của cơ sở giáo dục và địa phương.
- Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các phẩm chất, năng lực người học cần có được cho rằng chưa thuyết phục. Ban soạn thảo đã dựa trên những căn cứ nào khi xây dựng các tiêu chí này?
- Các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người học mới không phải là sản phẩm do những người biên soạn chương trình tùy tiện tưởng tượng ra. Căn cứ để xác định các phẩm chất chủ yếu là những đức tính của người Việt Nam được nêu ra trong nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là năm điều Bác Hồ dạy học sinh; yêu cầu giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiện nay.
10 năng lực cốt lõi nêu trong chương trình tổng thể là những năng lực mà ai cũng cần có để sống, làm việc trong xã hội hiện đại. Các năng lực đó đã được xác định trong nhiều chương trình và tài liệu giáo dục nước ngoài, đặc biệt là các tài liệu: Xác định và lựa chọn các năng lực cốt lõi của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2005; Các năng lực cốt lõi để học tập suốt đời - khung tham chiếu châu Âu của EU (Liên minh Châu Âu) năm 2006; Tầm nhìn mới về giáo dục - Mở khóa tiềm năng về công nghệ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2015.
- Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, cá nhân giáo sư đã chịu những áp lực gì khi là tổng chủ biên?
- Nhận nhiệm vụ soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, áp lực lớn nhất đối với tất cả anh chị em chúng tôi là làm sao phát huy được trí tuệ tập thể, tận dụng được ý kiến chuyên gia để có chương trình tốt nhất trong khả năng có thể. Khối lượng công việc lớn, tiến độ gấp, khiến tôi suốt mấy tháng qua không dám đi đâu khỏi Hà Nội. Nhiều tuổi rồi nhưng không ít đêm thức trắng vì hạn báo cáo đến… Nhưng bù lại, tôi cũng như cộng sự có niềm vui là được đóng góp vào sự phát triển của thế hệ học sinh mới, của giáo dục nước nhà.
Ngày 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Điểm mới của chương trình là chia giáo dục thành 2 giai đoạn cơ bản (Tiểu học và THCS) và hướng nghiệp (THPT). Chương trình xuất hiện nhiều môn học mới, có phân chia rõ ràng môn bắt buộc và tự chọn; các trường sắp xếp thời gian học từng môn... (Xem toàn văn dự thảo). |
Quỳnh Trang