Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo địa phương năm 2017. Theo đó, các cơ sở giáo dục phải căn cứ vào đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của mình, từ đó tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo quy định sau:
Số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi theo khối ngành được xác định không vượt quá các định mức:
TT |
Khối ngành |
Số sinh viên chính quy/1 giảng viên quy đổi |
1 |
Khối ngành I |
25 |
2 |
Khối ngành II |
10 |
3 |
Khối ngành III |
25 |
4 |
Khối ngành IV |
20 |
5 |
Khối ngành V |
20 |
6 |
Khối ngành VI |
15 |
7 |
Khối ngành VII |
25 |
Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục đại học tính trên một sinh viên chính quy không thấp hơn 2,5 m2.
Bộ Giáo dục nhấn mạnh, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo tiêu chí nói trên là năng lực đào tạo tối đa của cơ sở đào tạo. Vì vậy, UBND các tỉnh thành phải chỉ đạo cơ sở đào tạo thực hiện giảm chỉ tiêu đối với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực. Các trường cần chuyển đổi mô hình đào tạo từ phát triển quy mô, số lượng sang chất lượng, hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của địa phương và xã hội.
"Phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông năm 2017 theo lộ trình giảm để khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm", công văn nêu rõ.
Ngày 17/5, tại hội thảo khoa học "đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay" được tổ chức tại Đại học Thủ đô Hà Nội, PGS Bùi Văn Quân cho biết, dự kiến đến năm 2018 số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm bậc tiểu học là 19.200, THCS là 18.700 và THPT là 23.000.
Theo PGS Quân, với số lượng nói trên, cho dù Việt Nam tăng số học sinh trên giáo viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển, thì năm 2020 hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường. Cụ thể, vẫn thừa khoảng 41.000 đối với tiểu học, 12.200 với THCS và 16.900 với THPT.
Hoàng Thùy