Tôi rất thích xem Giọng hát Việt (và cả The Voice của Mỹ nữa). Tôi thích chương trình này vì format rất thú vị của nó. Mở đầu với vòng Giấu mặt, mỗi thí sinh phải bước lên sân khấu và hát bài mình chọn, trong khi 4 huấn luyện viên (giám khảo) phải quay mặt lại và không được nhìn vào thí sinh. Khi nghe hát, các huấn luyện viên (HLV) phải quyết định xem có chọn thí sinh đó vào đội của họ không. Nếu được nhiều hơn một huấn luyện viên chọn thì đến lượt thí sinh được quyền chọn huấn luyện viên cho mình, sau khi các huấn luyện viên đấu khẩu và giành giật thí sinh với nhau.
Châu Thanh Vũ (24 tuổi), học bổng toàn phần Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Harvard, Mỹ. |
Tôi thấy format này hấp dẫn vì hai lý do. Thứ nhất, giám khảo không nhìn thấy thí sinh, do vậy cái nhìn không quan trọng mà chỉ có giọng hát là tiêu chí duy nhất. Thứ hai, thực ra chuyện thí sinh có hát hay hay không, không phải là điều quan trọng nhất. Có rất nhiều thí sinh hát hay. Tuy nhiên, cái cần thiết là một giây phút bùng cháy nào đó trên sân khấu tạo đủ sức hấp dẫn để khiến các huấn luyện viên muốn chọn ngay lập tức. Tôi đã thấy nhiều người hát hay đều đều, nhưng không được chọn, trong khi một số hát kém hơn lại được chọn, vì họ có sự đột phá đúng lúc.
Có nhiều điểm chung đến mức đáng sợ giữa cuộc thi The Voice và quá trình tuyển sinh tiến sĩ.
Trong quá trình tuyển sinh, các chương trình PhD (tiến sĩ) phải chọn 30 người từ khoảng 900 đơn mà không hề biết các thí sinh này là ai. Ban tuyển sinh (BTS) chỉ có thể nhìn thấy điểm số và đọc được thư giới thiệu của các giáo sư khác. Không có điều gì đảm bảo là người được chọn sẽ phù hợp với chương trình PhD của trường đó, hay họ có tiếp tục giỏi như thế hay không. Điều này giống như điểm thứ nhất mà tôi nói ở trên. Ngoài ra, đối với các khoa xếp hạng hàng đầu, việc một người có thành tích giỏi đều đều không quan trọng, ngược lại họ thích những người nổi bật, có một điểm lóe sáng ở đâu đó. Điều này giống như điểm thứ hai mà tôi nói ở trên.
Tuy nhiên, còn nhiều điểm tương đồng hơn giữa hai cuộc thi này. Sau khi một thí sinh tỏa sáng và được nhiều HLV lựa chọn, thí sinh đó sẽ nhận được sự khen ngợi, trầm trồ của các vị HLV; nhận được những lời có cánh rằng giọng hát của thí sinh đó thật tốt, rằng họ sẽ đi đến đích cuối cùng của cuộc thi... Một số người thực sự xứng đáng với các lời khen này, phần lớn số khác thì không. Tuy nhiên, khi đứng trên sân khấu và được các nghệ sĩ tài năng khen ngợi, một người non kinh nghiệm rất dễ cả tin vào những lời có cánh kia và tin rằng mình giỏi thật.
Ở kỳ tuyển sinh PhD, mọi chuyện cũng đã xảy ra như thế đối với tôi. Rất nhiều trường, Harvard, MIT, Stanford, Princeton… tất cả trường mà tôi chỉ biết nằm mơ để được vào giờ đây lại không dừng lại ở điều gì để mời tôi đến với chương trình của họ.
Một giáo sư của Harvard, một người mà tôi rất kính trọng, gọi điện cho tôi khi tôi đang đi thăm Stanford để thông báo Harvard sẽ tăng thêm tiền học bổng, sẽ cho tôi tham gia nhóm nghiên cứu cùng, rồi chốt lại bằng câu hỏi: "Tôi phải nói gì nữa thì mới thuyết phục được em chọn Harvard?". Tôi chết lặng ở câu hỏi ấy.
Tất cả những điều này có khiến tôi thấy đặc biệt hay không? Có chứ! Những điều này là một phần thưởng lớn cho nỗ lực của bản thân trong nhiều năm qua của tôi. Nhưng tôi đã có cảm giác là nó hơi quá. Đâu đó ở trong tôi nhận ra rằng tôi đáng giá ít hơn những gì mà họ đang cố gắng trả cho mình và tôi sẽ phải cố gắng hơn để xứng đáng với cái danh dự mà họ đang cho mình.
Tôi muốn gọi giai đoạn này là "giai đoạn tuần trăng mật" cho cả cuộc thi The Voice và kỳ tuyển sinh PhD. Mọi thứ quá suôn sẻ, quá tốt đẹp đến nỗi nó có thể thuyết phục bất cứ ai rằng mọi thứ từ này về sau sẽ cực kỳ đơn giản.
Nhưng mọi thứ không đơn giản như thế. Ví dụ trong cuộc thi Giọng hát Việt, một khi đã vào vòng Đối đầu hoặc đi xa hơn, hầu hết mọi người sẽ lần lượt bị loại, dù trước kia họ có được ca tụng, được khen ngợi bao nhiêu đi chăng nữa. Một số người được khuyên rằng nếu chọn đúng HLV, họ có thể thắng toàn bộ cuộc thi. Rồi họ chọn người HLV ấy, chỉ để bị loại bởi chính người HLV đó ở ngay vòng tiếp theo một cách không thương tiếc.
Điều tương tự cũng đúng cho các chương trình tiến sĩ. Đầu tiên, sau khi được nhận và trước khi vào học, bạn sẽ được ca tụng như một thần đồng. Thế rồi, ngay sau khi chọn một trường nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng có 25 người nữa cũng đặc biệt và thiên tài như kiểu mà các giáo sư đã ca ngợi bạn. Cứ mỗi khoa có khoảng 25 người, tính riêng nội 10 trường top đã đào tạo chừng 250 tiến sĩ kinh tế mỗi năm. Cuối cùng, chỉ khoảng 10% xuất sắc nhất trong số này sẽ có một sự nghiệp thành công. Như vậy, ở các chương trình tiến sĩ, sau 5 năm, sự loại và đào thải cũng khắc nghiệt như một cuộc thi hát như The Voice vậy. Chỉ những ai có cả tài năng, sự nỗ lực, bền bỉ, và may mắn mới thành công đường dài.
Tất nhiên, còn có một điểm chung giữa hai cuộc thi nữa là "bạn không nhất thiết phải đứng ở vị trí đầu tiên để thành công". Thực ra ngay cả ở The Voice, những người thắng trận chung kết chưa chắc đã thành công và có sự nghiệp tốt hơn những người bị loại trước. Theo quan điểm của tôi, thành công hay không đòi hỏi một người phải biết đi qua "giai đoạn tuần trăng mật", tự thức tỉnh bản thân càng sớm càng tốt; phải có một mục đích phấn đấu cụ thể, và phải làm việc cật lực để đạt được mục đích đó.
Con đường phía trước khá đáng sợ, nhưng nghĩ lại thì việc được ở một trường tốt là một khởi đầu khá thuận lợi. Bây giờ, tôi chỉ cần tập trung vào công việc của mình thay vì sự tự hào, danh dự, hay sự nổi tiếng là được.
Châu Thanh Vũ
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Kinh tế, Đại học Harvard