Với đồ án đảo trôi Plastique 2.0, các thành viên trẻ của nhóm Grey-Rose giành được giải nhất, cũng là giải thưởng duy nhất dành cho hạng mục Kiến trúc và các vấn đề về nước biển dâng. Đây là một trong 3 hạng mục của cuộc thi Ý tưởng kiến trúc cho tương lai, do Quỹ Jacques Rougerie Institut Francais, Viện Đại dương liên Chính phủ tổ chức, nhận được sự đỡ đầu của Hoàng tử Albert II (Vương quốc Monaco) và của UNESCO.
Nhóm gồm 4 thành viên Trần Hoàng Anh (23 tuổi), Nguyễn Bảo Thư (23 tuổi), Trần Khánh Chi (24 tuổi), Nguyễn Bảo Thư (23 tuổi) và Nguyễn Lê Hưng (30 tuổi). Hoàng Anh, Chi và Thư hiện học năm cuối thạc sĩ tại trường kiến trúc quốc gia Paris La Villette, còn anh Hưng đã có bằng kiến trúc sư và đang theo học khóa quản lý công trình để có thể tự mình đứng ra ký tên bản vẽ. Cả 4 người đều là thành viên của Hội kiến trúc sư Việt Nam tại Pháp.
Cuộc thi đòi hỏi tính tưởng tượng cao của các kiến trúc sư hướng về tương lai, cần sự kết hợp giữa chuyên môn kỹ thuật cùng với tầm nhìn về tương lai. Plastique 2.0 được đánh giá cao bởi đồ án trả lời cùng lúc cho hai vấn đề nổi bật về môi trường của cả xã hội hiện tại. Thứ nhất là mực nước biển dâng kéo theo hệ lụy mất diện tích đất. Hai là rác thải nhựa không được xử lý trôi nổi trên biển. Đây là hai vấn đề vừa nghiêm trọng, vừa cấp bách nhưng lại không được nhìn nhận đúng mức.
Hòn đảo trôi được tạo ra bằng việc tổng hợp các loại rác thải bằng nhựa trên biển. Máy thu gom rác được thả trôi nổi trên mặt biển, gom rác thải nhựa bằng năng lượng mặt trời, tái chế ra các module và các module rỗng tạo ra các mảng đỡ hình thành nên đảo nổi Plastiques. Nó như một đám bọt biển trôi nổi và làm sạch tất cả, từ đó cuộc sống được hình thành.
Mục đích cốt lõi của Plastique 2.0 là tạo ra một môi trường sống mới cho những ai bị ảnh hưởng bởi những hệ quả kia. Cụ thể là người dân sống ven vùng duyên hải khắp thế giới. Đồ án vừa đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề nước biển dâng, vừa khai thác được tính năng ưu việt của vật liệu nhựa từ rác thải. "Sự sống được tạo ra từ những gì còn lại của xã hội" là mục đích đồ án muốn hướng đến.
Trần Hoàng Anh, thành viên nhỏ tuổi nhất nhóm chia sẻ, khi ban tổ chức cuộc thi đưa ra 3 đề tài: kiến trúc về biển, kiến trúc về không gian và kiến trúc về vấn đề nước biển dâng, nhóm đã chọn đề tài thiết thực và cấp bách nhất là kiến trúc về nước biển dâng. Cả 4 người đều sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nơi lũ lụt, thiên tai luôn tác động lớn đến đời sống con người. Chính điều đó đã khiến các bạn trẻ nhạy cảm ngay từ trong tiềm thức với vấn đề thiên tai và môi trường biển.
Các thành viên trong nhóm cho rằng, quãng đường để đi từ Plastique 2.0 đến thực tế là còn rất dài so với khả năng hiện có của nhóm. "Nhưng nếu một ngày nào đó Plastique 2.0 đi vào thực tiễn mình nghĩ chắc chắn sẽ không chỉ có Việt Nam mà tất cả các nước giáp với biển đều sẽ sử dụng Plastique 2.0", Hoàng Anh hy vọng.
Là đồng nghiệp nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên cả nhóm hợp tác làm đồ án. Cái tên Grey-Rose ra đời dựa trên điểm chung của cả 4 người. Grey (chất xám) tượng trưng cho kiến thức, còn Rose (màu hồng) tượng trưng cho mục tiêu lạc quan, tích cực... chính là định hướng suy nghĩ chung của cả nhóm.
Mỗi thành viên đều có thời gian học tập, làm thêm nên việc gặp gỡ, bàn bạc và làm việc cùng nhau liên tục trong nhiều tuần liền không đơn giản. Việc hạn chế không gian làm việc và trang thiết bị cũng là vấn đề đau đầu của cả nhóm, nhất là công cụ để làm đoạn video 3D trình chiếu trong đêm trao giải.
Sau khi giành được giải thưởng, Grey-Rose tiếp tục tìm cơ hội hợp tác để nghiên cứu từ một số tổ chức khoa học và cá nhân. Nhưng quan trọng nhất là giá trị tinh thần, việc được các nhà chuyên môn đánh giá cao bài thi giúp tăng thêm niềm tin tưởng vào những gì nhóm đang theo đuổi.
Thành viên Nguyễn Lê Hưng chia sẻ: "Đối với mỗi thành viên trong nhóm, Plastique 2.0 trở thành đồ án mang tính định hướng cho tương lai. Khi chúng ta biết mình muốn đi đến đâu thì phần còn lại chỉ là tạo ra con đường mà thôi. Dù khó hay dễ thì chúng ta luôn biết mình đang tìm kiếm gì và cố gắng làm việc tiếp để đạt được thứ đó".
Ảnh: Phối cảnh đảo trôi Plastique 2.0
Hoàng Phương