- Xin hỏi Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Ông có nghĩ rằng hiện nay các trường đại học, cao đẳng đào tạo ra quá nhiều cử nhân, chất lượng thì chưa đáp ứng được yêu cầu của các nơi tuyển dụng. Họ cũng hầu như không có trách nhiệm gì đối với sinh viên khi đã ra trường, khiến cho rất nhiều bạn trẻ đứng trong tình cảnh dở khóc dở cười và phải làm trái ngành nghề đã được đào tạo. Theo ông, kế hoạch nào để khắc phục tình trạng này? Cảm ơn ông! (Nguyễn Hiếu, 34 tuổi, Bắc Ninh)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Đại học FPT:
Xin chào độc giả VnExpress và các bạn sinh viên đang theo dõi chương trình tư vấn hôm nay. Chúng tôi hi vọng buổi tư vấn sẽ mang nhiều thông tin hữu ích cho các bạn trẻ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng cao như hiện nay.
Vấn đề bạn Hiếu hỏi liên quan nhiều đến vấn đề vĩ mô, dẫn tới việc sinh viên ra trường thiếu việc làm. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không tuyển đủ nhân sự, đặc biệt trong khối ngành hiện đại có xu thế đang phát triển trong hiện tại và trong tương lai. Một ví dụ cơ bản là ngành công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp đều rất khó khăn trong việc tuyển đủ nhân sự, thậm chí phải giành giật lao động chất lượng cao.
Để khắc phục điều này, các cơ quan làm chính sách vĩ mô cần cung cấp thông tin đầy đủ cho các tân sinh viên để có thể định hướng đúng nhu cầu việc làm trong tương lai. Bên cạnh đó, sinh viên và phụ huynh cũng nên tìm hiểu nhu cầu việc làm và thực tế năng lực của bản thân để chọn được ngành nghề phù hợp.
Tại hội thảo Đối thoại Giáo dục Toàn cầu tại Seoul (Hàn Quốc) vừa qua mà tôi tham dự, các doanh nghiệp dự đoán sẽ có những ngành biến mất trong tương lai, trong đó có những ngành khá phổ biến hiện nay như nhà báo, tài xế lái xe, phi công, nhân viên quản lý quỹ đầu tư... Thực tế hiện nay cũng có nhiều ngành mới xuất hiện những năm gần đây như quảng cáo trên mạng xã hội, tối ưu hóa website... Xu thế này sẽ còn tiếp diễn, nên các sinh viên và phụ huynh cần tham khảo nhiều ý kiến để có được lựa chọn tốt nhất ngay khi ra trường và trong tương lai.
- Em hiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Đồng Nai khoa sư phạm Anh. Nhưng em không muốn đi dạy sau khi tốt nghiệp, em tính là học nghề công nghệ ô tô ở một trường Cao đẳng nghề gần chỗ em ở (em vốn đam mê máy móc, do ban đầu định hướng không rõ). Rồi học thêm một thứ tiếng nào đó để có thể bổ trợ cho công việc làm sau này. Liệu quyết định của em có đúng không? xin anh chị tư vấn cho em! em xin cám ơn! (Tiêu Dương Vũ, 23 tuổi, Biên Hòa - Đồng Nai)
- Nguyễn Thị Hương Quỳnh - Cựu sinh viên xuất sắc Đại học FPT:
Chào bạn, theo mình làm bất kỳ việc gì miễn có đam mê, bạn đều có thể thành công. Không phải ai cũng có thể lựa chọn nghề nghiệp đúng ngay từ đầu. Hiện tại, bạn vẫn rất trẻ, nên việc đổi hướng nghề nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được. Việc bạn quyết định học nghề, kết hợp thêm học ngoại ngữ, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho bạn hơn. Chúc bạn may mắn và gặp nhiều thành công với nghề nghiệp mình lựa chọn.
- Em tốt nghiệp Tài Chính - Ngân Hàng năm 2014, đang tìm một số công ty ứng tuyển. Phần lớn em thấy các công ty đều yêu cầu lưu loát tiếng Anh, mà em không đáp ứng được. Vậy em nên tìm cơ hội việc làm ra sao khi không có kinh nghiệm như một số công ty quy mô nhỏ yêu cầu, không lưu loát ngoại ngữ để vào công ty lớn ạ? Điều sinh viên tốt nghiệp cần có để vừa lòng nhà tuyển dụng là gì ạ? Em xin cảm ơn. (Lê Vy, 23 tuổi)
- Chị Nguyễn Thị Hương Quỳnh:
Chào bạn Lê Vy
Trong lúc chưa tìm được một công việc thích hợp, bạn nên đăng ký các chương trình thực tập phù hợp với chuyên ngành của mình, để tích lũy kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội. Đồng thời, bạn nên trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ của mình.
Để đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng hiện nay, theo mình bạn cần có kiến thức tốt về chuyên ngành; chuẩn bị cho mình vốn ngoại ngữ; rèn luyện các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng làm việc dưới áp lực cao.
- Sinh viên năm nhất hay năm 2 có cơ hội làm những công việc part-time nào? Thực tế tương lai của những sinh viên theo học ngành Tiếng Anh thương mại là gì, họ có thể làm những công việc như thế nào? (Khúc Thị Tâm, 20 tuổi)
- Chị Nguyễn Thị Hương Quỳnh:
Theo chị, sinh viên năm thứ nhất và năm thứ 2, em có thể đi dạy thêm, trợ giảng cho các trung tâm tiếng Anh, hướng dẫn tour du lịch, làm cộng tác viên cho các tổ chức phi chính phủ... Ngành tiếng Anh thương mại là ngành có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài việc làm nghề biên phiên dịch, em có thể làm được nhiều ngành nghề khác nhau trong các lĩnh vực: kinh tế, du lịch, truyền thông, giáo dục.
- Tôi thấy nhiều chuyên gia phát biểu là nền giáo dục của chúng ta có vấn đề. 10 năm nay vẫn cứ nói thế nhưng vấn đề ở đâu, như thế nào và làm gì để khắc phục lại không thấy đề cập. Theo các chuyên gia, vấn đề nằm ở đâu? (Bình Minh, 42 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Chào bạn!
Theo nhận định của các nhà giáo dục toàn cầu hiện nay, giáo dục đại học nói chung đang đứng trước thách thức cần phải thay đổi. Việc sinh viên ra trường thất nghiệp không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn ở các nước phát triển phương Tây. Từ đó, các nhà giáo dục đặt ra câu hỏi: Giáo dục đại học thế giới cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng nhu cầu trong thời đại mới?
Vấn đề lớn nhất hiện nay là do sự thay đổi công nghệ trong cuộc sống, diễn ra với tốc độ rất nhanh và đa phần các trường đại học không theo kịp. Mô hình trường đại học cũ trở nên không còn phù hợp và đòi hỏi một mô hình mới ưu việt hơn, đáp ứng được nhu cầu xã hội. Mô hình đó như thế nào hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng nhưng chắc chắn sẽ cần ứng dụng rất nhiều về công nghệ thông tin, hướng tới đào tạo kỹ năng sáng tạo và thích nghi cho người học.
- Tôi là một chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi có ý kiến thế này. Cơ hội việc làm cho sinh viên Việt sau khi tốt nghiệp rất nhiều nhưng không dễ. Các cháu ra trường thường thiếu kinh nghiệm nhưng lại đòi hỏi lương cao và quyền lợi, trong khi chưa cống hiến gì cho doanh nghiệp. Xin chuyên gia cho ý kiến? (Minh Hải, 38 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Chào anh.
Điều nhận xét của anh hoàn toàn chính xác. Vấn đề này phát sinh là do sinh viên ra trường thiếu thực tiễn cuộc sống. Các bạn có thể học giỏi nhưng không chắc có kiến thức giỏi, thiếu kỹ năng tốt và phù hợp với doanh nghiệp. Nhiều sinh viên còn ảo tưởng về bản thân và việc làm. Điều này chủ yếu là do chương trình đào tạo thiếu thực tiễn, không tạo được cơ hội tiếp xúc doanh nghiệp và không chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên.
Để có được kết quả 98% sinh viên ra trường có việc làm, trường Đại học FPT phải bổ sung rất nhiều kỹ năng cho sinh viên trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, trường còn có công ty kết nối doanh nghiệp nhằm mục đích tất cả sinh viên đều có 1-2 học kỳ được làm việc cọ sát thực tiễn trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, sinh viên sau khi ra trường nhận thức rõ bản thân và công việc phù hợp trong tương lai.
- Chào các thầy cô và anh chị, em đang là sinh viên năm hai khoa Máy tính Đại học Bách Khoa. Em có câu hỏi: điều gì thầy và anh chị nghĩ khi còn ở dưới mái trường đại học sinh viên chưa nhận ra là sẽ giúp mình trong sự nghiệp sau này, tránh lãng phí thời gian học tập vào những thứ chưa cần thiết. Em cảm ơn! (Nguyễn Phi Ánh, 20 tuổi, Kí túc xá khu A đại học quốc gia TP HCM)
- Chị Nguyễn Thị Hương Quỳnh:
Chào bạn Nguyễn Phi Ánh,
Trong 4 năm học, may mắn mình đã nhận được nhiều lời khuyên từ các anh chị đi trước. Mình đã tránh được những sai lầm mà nhiều bạn sinh viên thường hay gặp phải như: không tập trung vào học chuyên môn ngay từ đầu, dẫn đến tình trạng khó cải thiện điểm số vào những năm cuối. Nhiều bạn lại quá tập trung vào việc học, quên mất việc rèn luyện thêm các kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động ngoại khóa, các chương trình thực tập, giao lưu với các anh chị đi trước. Một số bạn không đầu tư học ngoại ngữ nên sau khi ra trường gặp nhiều khó khăn khi xin việc, cũng như cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
- Năm 2015 FPT dự kiến tuyển 4000 nhân viên, vậy bao nhiêu % trong số đó là tuyển sinh viên mới ra trường? Có thể tiếp cận các kênh tuyển dụng này ở đâu? (Phạm Hải Anh, 20 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch công ty FPT Software:
Cảm ơn em đã tham gia chương trình. Năm 2015, FPT Software dự kiến tuyển 4000 nhân viên, khoảng 45% - 50% trong số đó là sinh viên mới ra trường. Các bạn có thể tiếp cận các cơ hội tuyển dụng này qua các thông báo tuyển dụng của FSOFT tại website tuyển dụng FSOFT (http://career.fpt-software.com/), hoặc tại job fair mà FSOFT tổ chức tại các trường đại học lớn trên toàn quốc.
- Tôi muốn hỏi Hương Quỳnh. Tốt nghiệp ĐH FPT, em thấy mình tự tin những kỹ năng gì khi đi xin việc? (Nhung Hà, 35 tuổi, Hà Nội)
- Nguyễn Thị Hương Quỳnh:
Sau khi tốt nghiệp Đại học FPT, điều lớn nhất giúp em tự tin khi đi xin việc là em có thể tự nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, để đánh giá xem bản thân có phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không.
Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình thực tập 8 tháng "On the job trainning" của nhà trường, giúp em có lợi thế hơn so với các bạn sinh viên khác. Quá trình học tại FPT rèn luyện cho em khả năng làm việc dưới áp lực cao, quản lý thời gian giúp ích rất nhiều cho công việc hiện tại.
- Xin hỏi anh Tiến, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam lo sợ và cho rằng gia nhập AEC lợi ít hại nhiều. Lúc đó cơ hội việc làm cho sinh viên Việt Nam sẽ như thế nào? cụ thể là ở tập đoàn FPT? (Thu Vân, 30 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Khi các doanh nghiệp VN hòa nhập trong AEC tôi chỉ thấy có lợi, đặc biệt trong bối cảnh tập đoàn FPT đang mở rộng ra các quốc gia khác. Hiện nay chúng tôi đã thành lập công ty tại Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines, Campuchia, Laos… Việc hòa nhập vào AEC càng mở rộng thêm cơ hội cho chúng ta đặc biệt là lĩnh vực CNTT. Đặc biệt FPT Software, chúng tôi có 150 người tại Singapore, 80 người tại Malaysia… con số này tăng lên hàng năm. Tất nhiên điều đó cho thấy cơ hội của FPT tại ASEAN ngày càng mở rộng (Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines, Campuchia, Laos…).
Chúng tôi đang cần hàng ngàn bạn từ các trường đại học thông thạo ngoại ngữ tiếng Anh và chuyên môn, các bạn hãy tin tưởng mình có cơ hội rất mở rộng.
- Chào anh Nam Tiến, anh có thể cho biết thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay? Những ngành nghề nào sẽ có lợi thế và được doanh nghiệp chào đón trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế Asean đang đến gần? (Hải Triều, 35 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Tôi chỉ muốn nói về ngành phần mềm chúng tôi đang làm việc, các kỹ sư CNTT của chúng ta đang cạnh tranh trên toàn cầu, cạnh tranh với những công ty công nghệ lớn nhất thế giới IBM, Accenture, Infosys, Wipro… chứ không chỉ bó hẹp trong ASEAN. Nên thực tế khi so sánh với các quốc gia khác trong ASEAN, chúng ta chỉ cạnh tranh trực tiếp với Philippines, chúng ta có lợi thế hơn nhiều quốc gia khác kể cả Singapore, Malaysia.
- Tôi thấy trường Đại học FPT có nói là “trường Đại học trong lòng doanh nghiệp”, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp. Vậy, trong quá trình sử dụng nguồn nhân lực là các sinh viên tốt nghiệp Đại học FPT, anh đánh giá như thế nào về khả năng hòa nhập, kỹ năng làm việc và năng lực làm việc của họ? (Anh Nguyễn Văn Lộc, 52 tuổi, Nha Trang)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Các sinh viên Đại học FPT được đánh giá là có các kỹ năng chuyên môn theo sát với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, đặc biệt là với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thị trường toàn cầu như FPTSoftware, do các bạn sinh viên ở đây có nhiều cơ hội được tiếp xúc với thực tế tại doanh nghiệp ngay khi còn đang học. Các sinh viên Đại học FPT cũng được đánh giá cao ở kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và làm việc nhóm.
Ngay bây giờ, 1:47AM, tại Denver, Colorado, nước Mỹ, bạn Phạm Xuân Hoàng, cựu sinh viên FPT đang ngồi cùng tôi, phụ trách dự án cho hãng hàng không lớn nhất thế giới của Mỹ. Em tâm sự, nhờ các kiến thức học trong trường ĐH FPT đặc biệt là Tiếng Anh, em đã có vị trí trong dự án và được các khách hàng Mỹ tin tưởng.
Cũng nhờ những kiến thức học tại trường, em đã nhanh chóng tiếp cận các công nghệ mới nhất như cloud, mobility, để đáp ứng được các yêu cầu đặc biệt cao về công nghệ của hãng hàng không này. Tôi muốn khoe một chút là rất nhiều máy bay kể cả của Vietnam Airlines đang được bảo trì bảo dưỡng bởi các phần mềm của các kỹ sư FPT Software thực hiện
- Với tư cách là một nhà hoạt động giáo dục, theo anh Minh chúng ta phải chuẩn bị gì cho sinh viên để có thể đương đầu với sự cạnh tranh có phần khốc liệt này? Cụ thể là tại trường Đại học FPT? (Vũ Hoàng Mỹ Linh, TP HCM)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Theo nhận định chung của các nhà giáo dục trên thế giới, giáo dục đại học và thị trường việc làm trong thời gian tới sẽ thay đổi với tốc độ chóng mặt. Cạnh tranh giữa các thế hệ về việc làm cũng tăng mạnh. Điều đó khiến kỹ năng nhanh chóng học hỏi và sáng tạo trở thành kỹ năng quan trọng nhất trong tương lai. Khái niệm học một nghề và làm nghề đó cả đời không còn phù hợp, đòi hỏi người lao động tương lai luôn phải cập nhập kiến thức mới để thích nghi với yêu cầu công việc thay đổi nhanh, tránh bị lạc hậu và đào thải.
Tại Đại học FPT, ngoài việc cung cấp kiến thức và công nghệ hiện đại, sinh viên của trường còn được bổ sung các kỹ năng học tập và làm việc, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật) để nhanh chóng thích nghi với các môi trường làm việc. Các môn học kỹ năng bổ sung tiêu biểu phải kể đến là môn kỹ năng giao tiếp thương mại, nhận thức bản thân, làm việc nhóm, khởi nghiệp...
Đặc biệt, sinh viên FPT được thực tập 1-2 học kỳ tại các dự án thực tế, các doanh nghiệp ngay từ năm thứ 3, sau khi hoàn thành các tín chỉ kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm. Việc thực tập được kiểm soát sao cho sinh viên học thật, làm thật, tránh trường hợp sinh viên thực tập ảo. Sau khi thực tập, sinh viên tự nhận thức được bản thân còn thiếu kiến thức gì để đăng ký tự chọn các môn học bổ sung, đồng thời định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
- Chào ban cố vấn,
Tôi được biết FPT Software là Công ty hàng đầu về ngành công nghệ thông tin. Vậy cho tôi hỏi, khi tuyển dụng, các anh có những tiêu chuẩn như thế nào? Các tiêu chuẩn đó có mang tính toàn cầu không vì tôi thấy FPT Software có chi nhánh ở trên thế giới?Tôi cảm ơn! (Nguyễn Hạnh Nga, 55 tuổi, Vũng Tàu)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Cám ơn chị.
FPT Software cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên toàn cầu, nên các nhân viên chính thức cần có các kỹ năng chuyên môn (ví dụ kỹ năng lập trình), kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Nhật), cũng như các kỹ năng mềm khác phù hợp với các yêu cầu của ngành công nghiệp phần mềm theo chuẩn toàn cầu.
- Chào Hương Quỳnh!
Được biết bạn đã đạt thành tích thủ khoa xuất sắc của thành phố Hà Nội, xin được chúc mừng điều đó.
Xin bạn hãy cho biết những hành trang là điều kiện cần và đủ để mỗi bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp có một công việc tốt.
Theo bạn, tiếng Anh có tầm quan trọng như thế nào với sinh viên hôm nay. Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn về việc học văn hóa và đặc biệt là việc học tiếng Anh (Nguyễn Hải Hà, 23 tuổi, ĐH Mỏ - Địa Chất HN)
- Nguyễn Thị Hương Quỳnh:
Chào bạn,
Theo mình hành trang để mỗi bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp có một công việc tốt là: phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, có các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, làm việc dưới áp lực cao. Đặc biệt phải trang bị vốn ngoại ngữ.
Tiếng Anh có vai trò rất quan trọng đến việc thành công của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đối với việc học văn hóa, mình tập trung học ngay từ đầu, thường xuyên trao đổi với các thầy cô khi gặp các vấn đề khó, bổ sung thêm kiến thức cho bản thân. Với việc học tiếng Anh, mình coi đó như một niềm đam mê. Để rèn luyện tiếng Anh, hàng ngày mình đọc báo BBC, CNN, đọc truyện, xem phim bằng tiếng Anh, nói chuyện hàng ngày với những người bạn nước ngoài.
- Chào thầy Đàm Quang Minh!
Em có một câu hỏi muốn hỏi thầy, chúng em rất thắc mắc về các đề thi sơ tuyển của nhà trường. Em không biết đề thi như vậy có đánh giá đúng năng lực của sinh viên không? Nếu đỗ, chúng em sẽ được đào tạo như thế nào? (Bùi Ngọc Duy, 18 tuổi, Hải Dương)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Chào bạn.
Đề thi của Đại học FPT chủ yếu đánh giá năng lực tư duy của thí sinh chứ không thiên về đánh giá kiến thức. Hình thức thi này khá phổ biến tại các đại học lớn trên thế giới.
Kỳ thi có 3 nội dung chính gồm tư duy toán, tư duy logic và viết luận. Thời gian làm bài của phần tư duy toán là tư duy logic là 120 phút cho 90 câu hỏi trắc nghiệm. Phần viết luận bằng tiếng Việt là 60 phút. Để làm quen với dạng thi này, các thí sinh có thể tham khảo đề thi mẫu và thông tin đào tạo trên website của trường.
- Chào ban cố vấn.
Năm nay cháu chuẩn bị thi tốt nghiệp và thi đại học. Cháu muốn hỏi là FPT Software có ưu tiên gì cho sinh viên FPT không? Và nếu là nhân viên của FPT Software thì cháu có cơ hội làm việc ở Nhật không? (Nguyễn Hoài Nam, 18 tuổi, Đà Nẵng)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Cám ơn Nam đã đăt câu hỏi.
Trở thành sinh viên tại trường Đại học FPT, cháu sẽ có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các cơ hội thực tế tại các doanh nghiệp như FPT Software do Đại học FPT rất chú trọng tới vấn đề này thông qua hợp tác của trường với các doanh nghiệp. Thêm nữa trường cũng đề cao việc đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên, từ đó có lợi thế về kinh nghiệm thực tế và ngoại ngữ. Quy trình tuyển dụng của FPT Software là bình đẳng với sinh viên của các trường đại học, tuy nhiên năng lực chuyên môn vững và ngoại ngữ giỏi là lợi thế rất lớn khi tham gia ứng tuyển.
- Em là sinh viên năm cuối ngành Quản trị nhân lực. Ham học hỏi và cầu tiến là điểm mạnh của em. Em bị khuyết tật ở chân, nhưng vẫn có thể di chuyển được. Em rất muốn làm việc, trao những giá trị tốt đẹp. Em muốn hỏi,trên thực tế tại sao các công ty không muốn nhận người khuyết tật làm việc? Và ngoài tiếng Anh ra thì em cần rèn luyện những kỹ năng nào? (Lưu Thiên Hương, Hải Dương)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Ở FPT Software, chúng tôi tạo ra môi trường phát huy năng lực của mọi cá nhân. Thay vì trả lời dài, bạn có thể tham khảo câu chuyện có thật về bạn Nguyễn Chiến Thắng tại FPT Software.
- Nếu còn trên ghế nhà trường thì có cần làm thêm nhiều không, và công việc làm thêm như thế nào thì mới tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân sau này ra làm việc. Em xin cảm ơn (Huỳnh Minh Tiến, 20 tuổi, KTX khu B)
- Nguyễn Thị Hương Quỳnh:
Theo chị, khi còn là sinh viên em nên dành thời gian để vừa đảm bảo được việc học, vừa có thể đi làm thêm. Mọi công việc làm thêm, ít nhiều đều cho em thêm kinh nghiệm, kiến thức cho cuộc sống. Nhưng để phục vụ tốt hơn cho công việc sau này, em nên tìm công việc làm thêm liên quan đến chuyên ngành mình đang học, dự định công việc trong tương lai.
- Em muốn hỏi thầy Đàm Quang Minh là em vừa đăng ký thi tuyển vào trường Đại học FPT. Môn đăng ký thi là Toán, Văn, Anh, Lý. Vậy em nên học ngành nào để có nhiều cơ hội việc làm tốt? (Ta Thi Thuy Quynh, Trường THPT Sơn Tây)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Chào Quỳnh,
Nếu lấy kết quả của tổ hợp môn Toán - Lý - Anh - Văn trong kỳ thi quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, em có thể đăng ký thi tại Đại học FPT các chuyên ngành như Kỹ thuật phần mềm, Điện tử truyền thông, An toàn thông tin, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật hoặc Kiến trúc.
Về cơ hội việc làm, sinh viên Đại học FPT tại tất cả các chuyên ngành có rất nhiều cơ hội ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, bởi trường có chương trình thực tập tại doanh nghiệp (OJT) dành cho sinh viên năm thứ 3 đại học. Sau khi kết thúc giai đoạn này, phần lớn sinh viên đều được doanh nghiệp giữ lại tiếp tục làm việc. Ngoài ra, trường có bộ phận hỗ trợ tìm kiếm việc làm "Alumni and Placement", thuộc phòng Công tác sinh viên. Tính đến nay, có gần 100 chương trình do bộ phận này phối hợp với doanh nghiệp tổ chức, nhiều sinh viên FPT đã tìm được việc làm hấp dẫn thông qua các sự kiện này.
- Em chuẩn bị bước sang năm 2 đại học, nhưng đến giờ vẫn chưa thể định hình được tương lai. Em học chuyên ngành về kinh tế, nhiều công ty tuyển dụng về ngành nghề này, nhưng đều đòi hỏi rất cao về kỹ năng, kinh nghiệm, những thứ hầu như các sinh viên ra trường đều thiếu. Xin hỏi sinh viên cần những gì để có thể tự định hình công việc tương lai, nhất là khi muốn làm trong những doanh nghiệp có vốn ngoại? (Thanh Huyền, 18 tuổi, Hà Nội)
- Nguyễn Thị Hương Quỳnh:
Chào em,
Khi chị bằng tuổi em, chị cũng có câu hỏi tương tự như em bây giờ và cũng rất lo lắng cho tương lai của mình. Tuy nhiên, nhờ lời khuyên của các thầy cô giáo và chương trình học tại trường, chị đã định hướng được rõ ràng về những điều mình cần chuẩn bị, để có được công việc tốt trong tương lai. Đầu tiên là khả năng ngoại ngữ. Tiếp theo là kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mình theo học. Ngoài ra, việc tham gia thực tập thực tế tại các doanh nghiệp theo chương trình học của nhà thường đã giúp chị tự tin hơn khi đi tìm việc.
- Thưa các chuyên gia, sinh viên năm nhất hay năm 2 có cơ hội làm những công việc part-time nào? Và thực tế tương lai của sinh viên theo học ngành tiếng Anh thương mại là gì ạ? Họ có thể làm những công việc nào phù hợp ạ? (Khúc Thị Tâm)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Chào Tâm,
Đối với sinh viên năm nhất hoặc năm 2 tại Đại học FPT, trình độ tiếng anh của các em tương đối tốt nên có thể làm partime cho các phòng ban của trường trong các hoạt động giao lưu với sinh viên quốc tế, nhằm ôn luyện tiếng Anh và tích lũy thêm kỹ năng giao tiếp, mở rộng quan hệ bạn bè. Ngoài ra, sinh viên có thể tổ chức chương trình sự kiện, tham gia các dự án nghiên cứu...
Cần phải khẳng định rằng tương lai là do chính các em quyết định. Đứng ở cương vị người thầy, chúng tôi cố gắng đem đến cho các em các kiến thức, kỹ năng và môi trường học tập tốt nhất. Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học FPT, sinh viên nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại vị trí phiên dịch, biên tập trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, điều phối viên, giảng viên, chuyên viên trong các tổ chức quốc tế...
Đồng thời, cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh có thể làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp trong nước, công ty nước ngoài. Đây cũng là ngành học thuận lợi cho những sinh viên có nhu cầu học lên cao hơn.
- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đặt ra chỉ tiêu tuyển dụng về chiều cao, cân nặng, về chỉ số nhan sắc như thi hoa hậu. Nếu là ông, ông sẽ tuyển dụng một cô kém nhan sắc nhưng được việc hay cô có nhan sắc rồi về đào tạo thêm? Xin cảm ơn. (Đồng An, 23 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Tôi biết có một số loại hình công việc có đặt ra tiêu chí về ngoại hình, nhưng tôi khẳng định FPT Software chưa bao giờ đặt đó làm tiêu chí tuyển dụng.
- Chào ông Hoàng Nam Tiến, rất vui vì ông tham gia chương trình. Xin hỏi ông, ông đánh giá như thế nào về nền giáo dục của VIệt Nam. Và các kiến thức của sinh viên, sau khi tốt nghiệp có đáp ứng được yêu cầu công việc nói chung và cụ thể ở đây là FPT. Xin cảm ơn (Hạnh Chi, Hà Nội)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Tôi là cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Trên thực tế, sinh viên của các trường CNTT trên toàn quốc như Đại học Bách Khoa, Đại học FPT, Đại học Công nghiệp, Học viên Bưu chính Viễn Thông, Học viện Quân sự… phần lớn đều có trình độ chuyên môn tốt đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong nước nhưng đều có một điểm yếu chung là trình độ ngoại ngữ chưa đủ để sử dụng trên toàn cầu. Các trường chỉ mới đào tạo tiếng Anh, nhưng các ngoại ngữ khác cũng rất cần như tiếng Nhật.
Trình độ chuyên môn có thể tốt nhưng các kỹ năng làm việc nhóm, làm việc trong dự án, làm việc trong môi trường đa văn hóa, các kỹ năng mềm như trình bày, làm báo cáo….thì rất đang rất thiếu để có thể làm việc ở môi trường toàn cầu.
- Em vừa ra trường (chậm 1 năm), trong suốt thời sinh viên không tham gia các hoạt động ngoại khóa hay đi làm thêm, nên giờ khi đi xin việc nơi đâu cũng yêu cầu kinh nghiệm tối thiểu một năm. Em thấy hơi hoang mang và đến nay nộp hồ sơ đã nhiều nơi mà lần nào cũng thất bại vì không có kinh nghiệm đi làm. Xin hỏi chuyên gia em nên làm thế nào? (Nguyễn Phương, 23 tuổi, Hà Nội)
- Nguyễn Thị Hương Quỳnh:
Chào bạn,
Nếu ở trong trường hợp của bạn, mình sẽ đăng ký vào các chương trình thực tập phù hợp với khả năng của mình. Điều này giúp bạn tích lũy thêm kinh nghiệm, tự tin hơn trong công việc, để lại nhiều ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng khi nộp hồ sơ xin việc. Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy vốn ngoại ngữ chưa tốt, bạn nên đăng ký học thêm, để trau dồi khả năng của mình.
- Đội ngũ giảng viên giảng dạy trong trường Đại học FPT có những tiêu chuẩn như thế nào và được tuyển từ đâu? Nhà trường có mời giảng viên nước ngoài hay các chuyên gia từ tập đoàn FPT dạy không? (Bùi Thành Long, Hải Phòng)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Giảng viên của Đại học FPT chủ yếu là chuyên gia đến từ Tập đoàn FPT và các giảng viên trẻ học thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại nước ngoài. "3T" là 3 tiêu chí "Trí - Tài - Tâm" mà giảng viên Đại học FPT cần phải có. Để giảng dạy tại trường, cán bộ giảng viên không chỉ cần kinh nghiệm thực tế trong công việc mà còn phải có khả năng truyền đạt tốt. Ngoài ra, giảng viên cần phải tận tâm dẫn dắt sinh viên, khơi dậy niềm đam mê học tập và hỗ trợ sinh viên định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
- Em tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế của một trường đại học lớn ở Hà Nội, ra trường đã một năm và nộp hồ sơ nhiều nơi vẫn chưa có việc. Nguyên nhân chính có lẽ là thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế và vốn ngoại ngữ không khá. Cho em hỏi có những cơ hội nghề nghiệp nào cho em? (Vương Huyền, 22 tuổi, Hà Nội)
- Nguyễn Thị Hương Quỳnh:
Chào bạn Vương Huyền,
Trước mắt theo mình cơ hội nghề nghiệp cho bạn là tham gia vào các khóa thực tập, để rèn luyện thêm kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ. Sau khi đã nắm chắc kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ tốt, bạn có thể làm được trong rất nhiều lĩnh vực như: kế toán, kiểm toán, ngân hàng, thương mại điện tử, quản trị kinh doanh...
- Kính gửi Hiệu trưởng! Hiệu trưởng cho em hỏi khi học tập ở Đại học FPT, em sẽ được đào tạo những kỹ năng nào để sau này dễ dàng tìm kiếm việc làm ở trong nước và nước ngoài không ạ? Em rất muốn làm việc ở nước ngoài, nếu sở hữu tấm bằng của Đại học FPT thì có được công nhận ở nước ngoài không ạ?(Nguyễn Vĩnh Phú, TP HCM)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Chào bạn,
Sinh viên tốt nghiệp Đại Học FPT có khoảng 15% làm việc tại nước ngoài, chủ yếu là các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore... Bên cạnh đó, trường cũng có nhiều sinh viên theo học bậc sau đại học tại Mỹ, Australia và các nước châu Âu... Nhiều bạn giành được học bổng giá trị cao, thích nghi nhanh chóng với môi trường giáo dục quốc tế nhờ quá trình học tập tại Đại học FPT. Trường cũng thường xuyên tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học quốc tế, nhằm mang lại nhiều cơ hội trải nghiệm cho sinh viên.
- Tôi biết FPT Software là công ty CNTT lớn, có nhiều chi nhánh trên thế giới. Vậy, về việc tuyển dụng nguồn nhân lực, có một tiêu chuẩn chung nào áp dụng cho tất cả các chi nhánh không? (Bùi Hạnh Ngọc, 34 tuổi, Hải Phòng)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Với các bạn SV mới ra trường thì tiêu chuẩn chung là thành thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình và khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức…) là một lợi thế rất lớn. Với các vị trí khác thì tiêu chuẩn chung là kỹ năng chuyên môn phù hợp với vị trí tuyển dụng và kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Nhật).
- Tôi muốn hỏi anh Hoàng Nam Tiến về quy trình tuyển dụng của FPT Software, tiêu chí nào quan trọng nhất mà ông cần ở một ứng viên? Ông có thể chia sẻ về các cơ hội việc làm của FPT Software dành cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm? (Nguyễn Thu Hương, 40 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Theo quy trình tuyển dụng thì kỹ năng chuyên môn phù hợp và kỹ năng ngoại ngữ tốt là những tiêu quan trọng. Trong các năm tới, FPT tuyển mới từ 1500 tới 2500 SV mới ra trường các ngành CNTT, ĐTVT, Ngoại ngữ (tiếng Nhật) vào làm việc tại FPTSoftware. Nhằm giúp các bạn SV có được các kỹ năng chuyên môn ngay khi các bạn còn đang học, FPT Software đang triển khai hợp tác với các trường đại học lớn trên toàn quốc nhằm đưa phần đào tạo chuyên môn dành cho nhân viên mới của FPTSoftware vào các trường. Các bạn SV CNTT, ĐTVT…có thể tiếp cận các chương trình đào tạo này tại trường để nắm được và trang bị cho mình kỹ năng, kinh nghiệm mà doanh nghiệp cần khi các bạn ra trường. Bên cạnh đó, FPTSoftware cũng tiếp nhận SV vào thực tập tại các văn phòng của FPT Software. Các bạn SV đã tham gia vào các chương trình đào tạo, chương trình thực dành cho SV của FPT Software sẽ được ưu tiên tiếp nhận vào làm việc tại FPT Software và được rút ngắn thời gian đào tạo trước khi tham gia vào các dự án chính thức.
- Anh/Chị cho e hỏi? Nhu cầu của FSoft hiện giờ như thế nào ? Sinh viên mới ra trường cần những yêu cầu như thế nào để được vào làm tại Fsoft (Nguyễn Hoàng Hải, 42 tuổi, Phú Thọ)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Trong vòng 5 năm tới, FPT Software sẽ có nhu cầu tuyển từ 4.000 đến 10.000 nhân viên mới hằng năm, trong đó 45% - 50% trong số này là sinh viên mới ra trường. Yêu cầu tuyển dụng với các bạn này là thành thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình (Java, C/C++/C-Sharp, PHP, ) và có khả năng giao tiếp bằng ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếp Nhật).
- Chào Tiến sĩ Đàm Quang Minh.
Em hiện đã tốt nghiệp cao đẳng ngành quản trị kinh doanh và đã đi làm. Vì hoàn cảnh nên em tốt nghiệp trễ. Hiện nay em rất đam mê công nghệ thông tin ngành an ninh mạng và rất mong muốn được đào tạo tại Đại học FPT, nhưng em đang băn khoăn về vấn đề tài chính, về độ tuổi... Em rất mong nhận được sự tư vấn của thầy. Em xin cảm ơn! (Trần Thanh Văn, 29 tuổi, TP HCM)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Chào bạn Văn,
Trước hết, thầy rất đề cao nghị học tập nghị lực của bạn. Những người có nghị lực bao giờ cũng có cơ hội thành công cao hơn.
Tại Đại học FPT, trường khuyến khích sinh viên mọi độ tuổi đăng ký theo học các chương trình. Thực tế, trường có nhiều sinh viên chuyển đến từ các trường khác, hoặc đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng nhưng vẫn muốn học tiếp tại Đại học FPT.
Để khuyến khích sinh viên có học lực tốt và nghị lực, trường dành nhiều học bổng khác nhau dành cho sinh viên. Tiêu biểu là 4 nhóm học bổng Nguyễn Văn Đạo: học bổng dựa trên thành tích học tập xuất sắc; học bổng dành cho năng khiếu văn - thể - mỹ; học bổng tài năng cho sinh viên có điểm đầu vào cao; học bổng tiếp sức cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu ý chí vươn lên. Năm 2015, trường có 200 suất học bổng dành cho các bạn sinh viên. Mỗi học bổng có giá trị từ 50% đến 100%.
- Trong tương lai sắp tới liệu ngành công nghệ thông tin của việt nam có phát triển mạnh hơn được không? Ngành sửa chữa máy tính liệu có cơ hội việc làm nhiều hơn không? (Bùi Huy Tưởng, 40 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Chủ trương của CP ta đến năm 2020 VN sẽ trở thành nước mạnh bằng CNTT. Theo đó, hàng loạt chính sách khuyến khích sử dụng CNTT trong các ngành. Đặc biệt theo chỉ đạo của Thủ tướng CP, CNTT trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới.
Vừa qua TTCP đã cho phép cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp nhà nước việc thuê và mua các hệ thống CNTT và ứng dụng, nhà nước sẽ ko bỏ tiền ra để xây dựng các hệ thống đó nữa, mà sẽ thuê từ các công ty tin học. Đây là 1 quyết định quan trọng đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT ở nước ta, cũng là cơ hội phát triển lớn đối với các công ty CNTT. Một trong các ví dụ điển hình là ngành đường sắt đã sử dụng hệ thông mua vé tầu online, giải quyết được vấn đề chầu trực mua vé tàu Tết ở Việt Nam
Còn ngành sửa chữa máy tính như bạn hỏi cũng sẽ phát triển, tuy nhiên quy mô có thể không lớn.
- Trước tiên em xin gửi lời chào đến ban biên tập, ông Hoàng Nam Tiến, Ts Đàm Quang Minh và bạn Nguyễn Thị Hương Quỳnh. Em đang học tiến sĩ ngành xử lý ảnh bên Hàn Quốc. Sau khi tốt nghiệp em mong muốn trở lại quê hương đóng góp sức mình cho sự nghiệp phát triển nước nhà. Tuy nhiên, ngành em học còn khá mới ở VN. Xin cho em hỏi là hiện nay doanh nghiệp nước nhà nói chung và FPT nói riêng đã có những chiến lược nào để tạo điều kiện cho bọn em sau khi tốt nghiệp ạ. Em chân thành cảm ơn! (Thúy An, 19 tuổi, Hà Nội)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
FPT đang triển khai nhiều dự án sử dụng công nghệ xử lý ảnh cho các khách hàng Nhật và Mỹ và đang rất cần các nhân tài như bạn tham gia góp sức cùng chúng tôi.
Ngay khi bạn có thể bắt đầu công việc, xin hãy gửi CV về địa chỉ: recruitment@fsoft.com.vn
- Học phí mỗi tháng của trường là bao nhiêu thưa thầy? Trường có xét học bạ không? Nếu xét được thì nhà trường xét như thế nào? Xin cảm ơn! (Võ Phan Thảo Chánh, Hà Nội)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Chào bạn!
Hệ Đại học chính quy không xét học bạ. Để trở thành sinh viên của Đại học FPT, khi làm thủ tục nhập học, thí sinh cần đủ 2 điều kiện sau:
- Trúng tuyển trong kỳ thi ngày 10/5 của Đại học FPT
- Điểm thi môn Toán và 2 môn tự chọn khác (trong các môn dự thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia) đủ điều kiện học đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thời gian học tại Đại học FPT kéo dài khoảng từ 3 năm rưỡi đến 4 năm. Chi phí học tập tại trường ở mức khoảng 250 triệu đồng (23 triệu đồng mỗi học kỳ). Tuy nhiên, thí sinh có thể tham khảo các học bổng có giá trị từ 50% đến 100% tại trường.
- Hiện em đang làm việc cho một công ty nhưng giờ em muốn chuyển qua công ty FPT nhưng em không biết là bên công ty có chương trình đào tạo tiếng Nhật cho nhân viên như thế nào? Tại vì em muốn làm việc ở Nhật. Hiện tại em đã có bằng N5 và chuẩn bị thi N4. (Nguyễn Văn Minh, 30 tuổi, Việt trì)
- Ông Hoàng Nam Tiến:
Thị trường Nhật đã và đang là thị trường lớn nhất của FPT Software trong các năm tới, và FPT Software đang đầu tư mạnh mẽ cho các chương trình đào tạo tiếng Nhât, cả cho nhân viên của mình, cũng như nhân lực CNPM nói chung của Việt Nam. Với nhân viên nội bộ, FPT Software có chương trình đạo tạo từ 5 tháng đến 9 tháng để giúp học viên đạt được trình độ N2. Với nguồn nhân lực CNPM nói chung của Việt Nam, FPT Software đang đẩy mạnh triển khai chương trình “Khởi nghiệp kỹ sư cầu nối tại Nhật cùng FPT Software”, qua đó hỗ trợ các kỹ sư CNTT/ĐVTT du học tiếng Nhật tại Nhật trong vòng 6-12 tháng để có được trình độ tiếng Nhật N2, có thể làm việc như một Kỹ sư cầu nối ngay tại Nhật Bản. Thông tin về chương trình “Khởi nghiệp kỹ sư cầu nối tại Nhật cùng FPT Software” có thể xem chi tiết tại website http://kysucaunoi.vn/. Do vậy, bạn có thể cân nhắc tham gia một trong hai cơ hội này: trở thành nhân viên FPT Software để tham gia vào chương trình đạo tạo tiếng Nhật dành cho nhân viên, hoặc tham gia ngay vào chương trình “Khởi nghiệp kỹ sư cầu nối tại Nhật cùng FPT Software” ngay từ bây giờ.
- Xin chuyên gia cho biết cơ hội nghề nghiệp của sinh viên FPT sau khi ra trường? Tỷ lệ sinh viên có việc làm vào khoảng bao nhiêu so với mặt bằng chung và tương đương với con số nào? Cảm ơn các chuyên gia. (Phạm Hải Đăng, Hà Nội)
- Tiến sĩ Đàm Quang Minh:
Chào bạn,
Theo khảo sát thực tế các cựu sinh viên của Đại học FPT thì có đến 98% sinh viên FPT ra trường có việc làm. Các bạn ra trường làm việc cho các công ty thành viên của Tập đoàn FPT và được nhiều doanh nghiệp khác trọng dụng. Trong đó, số sinh viên làm việc tại các công ty thành viên của Tập đoàn FPT chiếm khoảng 50%. Ngoài ra, sinh viên còn làm việc trong các công ty lớn như Viettel; Make it in Germany; Rikkeisoft; Sam Sung Việt Nam; Vietsoftware, Smart OSC, 3SI, Gameloft, Bosch…
VnExpress