Chiều 29/3, trao đổi với VnExpress, ông Lê Quan Nghiệm, chuyên gia - nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Y dược TP HCM (đại diện nhà trường), khẳng định sai phạm của trường khi liên kết đào tạo với Đại học Tây Nguyên như Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra là "sai sót hành chính".
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản cho phép Đại học Y dược TP HCM và Đại học Tây Nguyên liên kết đào tạo 70 chỉ tiêu bác sĩ, dược sĩ cho các tỉnh Tây Nguyên (lấy trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2005 của Đại học Tây Nguyên với 50 chỉ tiêu ngành Dược và 20 chỉ tiêu Bác sĩ Răng hàm mặt).
Từ năm 2006 đến năm 2008, không có văn bản cho phép tuyển sinh của Bộ Giáo dục nhưng hai trường tiếp tục tuyển sinh, đào tạo theo hình thức trên. Tổng số đã tuyển sinh từ năm 2006 đến 2008 là ngành Dược 117, ngành Răng hàm mặt 59.
Theo ông Nghiệm, đề án trên là công khai với mục đích tạo môi trường hoạt động đào tạo để Đại học Tây Nguyên có thể tự mở ngành Dược. Đề án cũng nằm trong chiến lược phát triển nhân lực ngành y các tỉnh phía Nam mà trường được giao.
"Từ năm 2006 đến năm 2008, trường không xin phép Bộ Giáo dục vì nghĩ rằng đã được duyệt lần đầu rồi đương nhiên được làm lại", ông Nghiệm nói và cho rằng chương trình đào tạo liên kết sau đó vẫn đạt chất lượng và thu học phí đúng quy định. "Chúng tôi thừa nhận đó là sai sót nhưng chúng tôi không vụ lợi", ông Nghiêm khẳng định.
Còn về kết luận thanh tra cho thấy số lượng giảng viên kiểm tra thực tế chênh lệch giảm 197 người (đã được quy đổi) so với con số mà trường báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015, ông Nghiệm cho rằng nguyên nhân sai sót "do có sự khác biệt trong cách tính".
Theo ông Nghiệm, đội ngũ giảng dạy của trường nhiều người có trình độ bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, tức là sau đại học nhưng Bộ Giáo dục lại công nhận điều đó. Bên cạnh đó, một số trường hợp thống kê trùng lắp khi đã tính là tiến sĩ rồi vẫn đưa vào danh sách phó giáo sư.
Tuy nhiên, số lượng tuyển sinh của trường cũng không vượt quá chỉ tiêu về tỷ lệ giảng viên với con số giảng viên mà Thanh tra Bộ Giáo dục xác định lại. Do đó, ông Nghiệm phủ nhận việc trường "đội" số lượng giảng viên lên để tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Ngoài những sai phạm trên, Thanh tra Bộ còn phát hiện trường Đại học Y dược TP HCM đã cấp bằng cho 13 trường hợp có thời gian học tập từ 10 đến 27 năm. Thanh tra đề nghị huỷ bỏ kết quả và bằng chứng nhận tốt nghiệp của sinh viên sau 27 năm trúng tuyển, rà soát các trường hợp vượt quá thời gian tối đa được phép để huỷ bỏ kết quả và thu hồi bằng.
"Chúng tôi đang kiểm điểm lại trách nhiệm với những thiếu sót, sai phạm mà Thanh tra Bộ Giáo dục nêu để báo cáo Bộ Giáo dục, Bộ Y tế trước ngày 30/6", ông Nghiệm cho hay.
Mạnh Tùng