Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của ĐH Kinh tế TP HCM giai đoạn 2014-2017.
Mục tiêu chung của đề án là đảm bảo ĐH Kinh tế TP HCM chủ động khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy và nhân sự, giảm nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
ĐH Kinh tế TP HCM sẽ đào tạo theo chương trình của các trường đại học hiện đại trên thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và phát triển quy mô đào tạo hợp lý, phù hợp với các nguồn lực của trường; chú trọng đào tạo chương trình chất lượng cao và theo đặt hàng. Sinh viên ra trường phải được đào tạo đạt chuẩn đầu ra theo cam kết được công bố; được tiếp cận việc ứng dụng khoa học công nghệ; được rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức.
Nghiên cứu khoa học trong nhà trường cũng sẽ được chú trọng, tăng cường nguồn thu từ chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng hệ thống tổ chức và nhân sự theo mô hình của các trường đại học hiện đại...
Để đạt được mục tiêu trên, ĐH Kinh tế TP HCM cần xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng; chủ động mở các ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất; xây dựng phương án tuyển sinh riêng phù hợp với yêu cầu, lộ trình của Bộ GD&ĐT...
Trường sẽ thu học phí ổn định theo kế hoạch với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa là 13 triệu đồng mỗi sinh viên trong năm học 2014-2015 và trong 2 năm học tiếp theo là 14,5 triệu đồng và 16,5 triệu đồng.
Từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ cho 6 trường đại học thí điểm tự chủ, tuy nhiên việc thu học phí và thu phí không được vượt quá quy định của Nghị định 49. Với quyết định này, ĐH Kinh tế TP HCM sẽ được tự chủ cả thu học phí. Ngoài đại học này, dự kiến còn ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương sẽ được tự chủ thu học phí trong năm nay.
Hoàng Thuỳ