Ngày 10/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo về dự thảo danh mục giáo dục và đào tạo cấp 4 trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Theo báo cáo của TS Nguyễn Văn Đường (Vụ Giáo dục Đại học), do yêu cầu sửa chữa, chỉnh sửa, sắp xếp lại một cách hợp lý tên ngành, mã ngành theo nhóm ngành và lĩnh vực đào tạo, bổ sung các ngành đào tạo thí điểm đủ điều kiện vào danh mục nên Bộ Giáo dục xây dựng danh mục giáo dục, đào tạo mới.
Dự thảo danh mục mới ở trình độ cao đẳng có 163 mã ngành đào tạo, trong khi ở đại học là 310 mã ngành, thạc sĩ là 281 và tiến sĩ là 271.
Sau khi chia thành 6 tổ thảo luận, lãnh đạo các trường đại học đã đưa ra các ý kiến đóng góp cho dự thảo. Khối các trường Sư phạm đề nghị bổ sung các ngành sư phạm triết học, sư phạm tiếng Anh tiểu học, bổ sung trình độ Thạc sĩ các ngành Phát triển cộng đồng, Tâm lý học lâm sàng, Sư phạm âm nhạc biểu diễn...
Nhóm các trường kinh tế cho rằng các trường được Bộ giao thí điểm mở ngành mới phải chứng minh cơ sở khoa học và sau khi thí điểm 2 khóa phải đánh giá được nhu cầu của các ngành này trong thực tế như thế nào, tổ chức điều tra xã hội học xem sinh viên ra trường tìm việc làm ra sao. Đó là căn cứ để trình đề xuất mở ngành.
Học viện Quản lý giáo dục để nghị bổ sung ngành Kinh tế giáo dục, ĐH Lao động bổ sung trình độ tiến sĩ mã ngành Xã hội học vì đã đào tạo trình độ thạc sĩ và đã có 2 đề án đào tạo tiến sĩ ngành này.
Về lĩnh vực Khoa học quả lý, ĐH Kinh tế quốc dân đề xuất bổ sung thêm 3 mã ngành Kinh tế tài nguyên, Thống kê kinh tế và Toán ứng dụng trọng kinh tế đối với bậc đại học.
Đối với trình độ thạc sĩ, những ngành hẹp quá như Kinh tế đầu tư lãnh đạo các trường đề xuất, chỉ nên để là chuyên ngành; Ngành Quản trị văn phòng chỉ nên để ở bậc đại học, không đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ vì đây là ngành hẹp.
Ngành Quản lý kinh tế, theo nhóm các trường Kinh tế thì thế giới hầu như không có ngành này, nên chuyển thành Khoa học quản lý. ĐH Thương mại đề xuất bổ sung mã ngành Marketing hệ thạc sĩ vì trình độ đại học đã đào tạo.

Thí sinh trước ngưỡng cửa vào đại học. Ảnh minh họa: Quý Đoàn.
Nhóm 3 gồm các trường thiên về Kỹ thuật như ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH Thủy lợi, Giao thông Vận tải... đề xuất điều chỉnh một số mã ngành, như ngành Quản lý hoạt động bay có nghĩa hẹp nên đề nghị chuyển thành ngành Quản lý không lưu; Công nghệ thực phẩm đổi thành Công nghệ kỹ thuật thực phẩm. Nhóm cũng đề nghị làm rõ tên của ngành Công thôn vì người dân nghe sẽ không hiểu, mà cần làm rõ, ví dụ như Công trình công nghiệp nông thôn.
Nhóm đề nghị bổ sung ngành Toán tin vào khối Toán thống kê, bổ sung ngành An toàn thông tin, Kỹ thuật in, Kỹ thuật cơ khí động lực... đã được các trường thực hiện thí điểm. Học viện Kỹ thuật quân sự đề nghị bổ sung ngành Kỹ thuật thủy công. Ngành này liên quan đến vùng biển, hải đảo, phía dưới mặt nước trong đó có tàu ngầm, khai thác dầu khí. Ngành Kỹ thuật rađa dẫn đường cũng đề nghị được bổ sung hệ đại học vì hệ thạc sĩ, tiến sĩ có nhưng đại học thì lại chưa đào tạo.
Nhóm các trường Y dược đề nghị bổ sung thêm hệ đại học ngành Dinh dưỡng và Y học dự phòng vì những ngành này đã đào tạo tại các trường nhưng chưa có mã số. Hệ thạc sĩ hiện có Y học chức năng, Y học hình thái, nhóm đề nghị gộp thành Y học cơ sở.
Đối với ngành Chấn thương chỉnh hình và Tạo hình, xu hướng thế giới phát triển hai ngành riêng biệt là Chấn thương và Chỉnh hình. Trong nước cũng có nhu cầu tách 2 ngành này ra, có thể là Chấn thương chỉnh hình và ngành Tạo hình. Chấn thương chỉnh hình phục vụ chiến tranh và tai nạn giao thông, còn Tạo hình sẽ tái tạo thẩm mỹ, và cũng phục vụ trong chiến tranh, như mất tai thì tái tạo lại tai...
Hoàng Thùy