Đại học Tôn Đức Thắng vừa công bố hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn. Theo lãnh đạo nhà trường, hướng dẫn được soạn ra để làm nguồn tham khảo cho việc bổ nhiệm và đề bạt các chức vụ chuyên môn (trợ lý giáo sư, phó giáo sư, giáo sư) của trường.
"Đây là hướng dẫn chung, những tiêu chuẩn tối thiểu ứng viên phải đạt được trước khi làm hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm", Đại học Tôn Đức Thắng nhấn mạnh. Trường cũng giải thích, việc bổ nhiệm các chức vụ chuyên môn nhằm nhận dạng những giảng viên và nhà khoa học có tiềm năng lớn; ghi nhận và trả thu nhập, chế độ cho ứng viên vì những đóng góp xuất sắc cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xã hội và nhà trường; xây dựng sự nghiệp hàn lâm cho giảng viên và nhà khoa học phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Quy trình xét và bổ nhiệm dựa vào bình duyệt (peer review) trong hoạt động khoa học. Hội đồng khoa học của trường sẽ quản lý và điều hành quá trình bình duyệt. Sau khi nhận được hồ sơ của ứng viên, Hội đồng khoa học sẽ xem xét các tiêu chuẩn tối thiểu và quyết định hồ sơ có nên gửi chuyên gia ngoài bình duyệt. Nếu gửi ra ngoài bình duyệt, Hội đồng sẽ quyết định danh sách chuyên gia bình duyệt cho từng ứng viên.
Dựa vào báo cáo bình duyệt của chuyên gia, Hội đồng sẽ xem xét bố trí một buổi phỏng vấn ứng viên. Buổi phỏng vấn sẽ kéo dài khoảng một giờ, là cơ hội để ứng viên trình bày viễn kiến, nguyện vọng và chương trình làm việc trong tương lai. Hội đồng khoa học sẽ báo cáo cho Hiệu trưởng kết quả bình duyệt, phỏng vấn và đề nghị quyết định.
Dựa vào đề nghị của Hội đồng, Hiệu trưởng sẽ xem xét phê chuẩn bổ nhiệm hay đề bạt ứng viên. Trường có hai bộ tiêu chuẩn cho ứng viên chuyên giảng dạy và ứng viên chuyên nghiên cứu khoa học. Ứng viên phải chọn một trong hai ngạch khi đệ đơn.
Ở bậc giáo sư, ở mỗi ngạch, Đại học Tôn Đức Thắng bổ nhiệm hay đề bạt 3 chức vụ: Trợ lý giáo sư (Assistant Professor); Phó giáo sư (Associate Professor); Giáo sư (Professor). Ngoài ra, trường còn có một chức danh giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor) dành cho các nhà khoa học có những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành tầm quốc tế và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của trường.
Các chức vụ chuyên môn sẽ được đánh giá lại sau một thời gian nhất định, tùy chức vụ. Những người giữ các chức vụ chuyên môn nhưng không đạt năng suất khoa học theo yêu cầu sẽ được bãi nhiệm chức vụ, nhưng vẫn có thể tiếp tục công tác tại trường.
Đối với ngạch giảng dạy, các ứng viên chức vụ giáo sư của Đại học Tôn Đức Thắng sẽ được thẩm định theo 4 nhóm tiêu chuẩn chính: Thành tích giảng dạy và đào tạo; thành tích nghiên cứu khoa học; đóng góp cho chuyên ngành; và đóng góp cho Việt Nam và nhà trường.
Riêng các ứng viên chức vụ giáo sư (Professor) phải chứng tỏ khả năng lãnh đạo chuyên môn, có đóng góp cho khoa học tương đương với các giáo sư trên thế giới mà ứng viên phải chỉ ra trong hồ sơ đề bạt hay bổ nhiệm.
Về tiêu chuẩn tiếng Anh, tất cả ứng viên phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là B2 khung châu Âu, IELTS 5.5, TOEFL BPT 500, TOEFL IBT 61, TOIEC 600 (còn thời hạn); hoặc vượt qua đợt phỏng vấn bằng tiếng Anh.
Tiêu chuẩn cho ngạch giảng dạy
Trợ lý giáo sư phải giảng dạy đại học sau 2 năm; hướng dẫn thành công 2 luận văn thạc sĩ; một giáo trình; hoặc 1/3 sách đã xuất bản. Phải có thành tích nghiên cứu khoa học với 3 bài tác giả chính công bố trên tạp chí quốc gia do Hội đồng xét duyệt quyết định; 2 bài ISI (một tác giả chính), hoặc 2 bài Scopus (một tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội được công bố ở tạp chí quốc tế.
Tiêu chuẩn cho phó giáo sư là phải giảng dạy đại học sau 5 năm; hướng dẫn thành công 4 luận văn thạc sĩ; có một sách chuyên khảo có chỉ số xuất bản. Đồng thời, ứng viên phải có 5 bài tác giả chính trên tạp chí quốc gia do Hội đồng xét duyệt quyết định; 5 bài ISI (3 tác giả chính), hoặc 5 bài Scopus (3 tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội công bố ở tạp chí quốc tế; chủ trì một đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ; Tham gia tổ chức hội thảo chuyên ngành, quảng bá thương hiệu của nhà trường; và viết bài hoặc trả lời phỏng vấn chuyên môn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tiêu chuẩn cho giáo sư là phải giảng dạy đại học sau 8 năm; hướng dẫn thành công 2 luận án tiến sĩ; có 2 sách chuyên khảo có chỉ số xuất bản; công bố trong nước 10 bài tác giả chính trên tạp chí quốc gia do Hội đồng xét duyệt quyết định; công bố quốc tế gồm 10 bài ISI (7 tác giả chính), hoặc 5 bài ISI (3 tác giả chính) và 5 bài Scopus (3 tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội; chủ trì 2 đề tài nghiên cứu FOSTECT hoặc cấp Sở hoặc cấp Bộ; Chủ trì 1 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia.
Ứng viên giáo sư phải phản biện ít nhất một tạp chí ISI hoặc Scopus; là thành viên ban chương trình của ít nhất một hội thảo khoa học quốc tế; trưởng bộ môn/nhóm nghiên cứu; tham gia quảng bá thương hiệu của nhà trường; viết bài hoặc trả lời phỏng vấn chuyên môn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tiêu chuẩn cho ngạch nghiên cứu
Những tiêu chuẩn chung cho ngạch này cũng giống như những tiêu chuẩn chung của ngạch giảng dạy. Tiêu chuẩn cho trợ lý giáo sư không yêu cầu về giảng dạy đào tạo nhưng nếu có hướng dẫn luận án thạc sĩ thì là một lợi thế. Phải có công bố quốc tế 4 bài ISI (3 tác giả chính), hoặc 2 bài ISI (một tác giả chính) đối với khối ngành kinh tế, xã hội; số trích dẫn khách quan theo ISI: 12 (hoặc 6 đối với khối ngành kinh tế, xã hội).
* Chi tiết hướng dẫn quy trình bổ nhiêm Giáo sư, Phó giáo sư của ĐH Tôn Đức Thắng
Đại học Tôn Đức Thắng là trường công lập được thành lập vào năm 1997, đã và đang hợp tác với 76 trường đại học trên thế giới; thu nhận khoảng 300 sinh viên từ các nước đến học bằng nhiều loại hình. Trường đã thành lập hơn 23 labo nghiên cứu khoa học và một số labo do các giáo sư hàng đầu thế giới lãnh đạo.
Lan Hạ