"Gần đây dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là có sự xáo trộn tận tâm can về một vấn đề nhạy cảm, đó là thay đổi việc giảng dạy môn Lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. Xin Bộ trưởng nêu chính kiến, nhất là tính ưu việt và tính đúng đắn của nó", đại biểu Lê Văn Lai từng 10 năm làm việc trong ngành giáo dục phổ thông gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 16/11.
Ông đề nghị Bộ trưởng nêu dự định giải quyết vấn đề nêu trên, có hoãn thực hiện chủ trương về giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp hay không. "Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề? Sai lầm về phương pháp dẫn đến sai lầm về kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ. Sai lầm này không có chỗ cho sự khắc phục", ông Lai nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu thêm, nhân dân đánh giá cao Bộ Giáo dục đã triển khai đề án cải cách chương trình, sách giáo khoa với khối lượng đồ sộ trong thời gian ngắn. Có người cho rằng đây là cuộc cách mạng trong giáo dục, mở ra một tia sáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo giai đoạn mới theo một cách làm mới.
Nhưng với góc nhìn của mình, ông Lai cho rằng có những vấn đề tưởng nhỏ mà không nhỏ, ảnh hưởng đến ngành chủ quản và các bên liên quan. "Bất cứ sự phá vỡ lớn nào cũng bắt đầu từ sự phá vỡ thành phần", ông Lai nhận định. Cụ thể, một việc Bộ cho rằng rất nhỏ như thay đổi cách dạy môn Lịch sử sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Những ảnh hưởng tiêu cực này đã được nhân dân và nhà nghiên cứu về khoa học lịch sử phân tích.
"Bộ Giáo dục cần lưu tâm đặc biệt đến những vấn đề có hàm lượng lịch sử cao, vấn đề nhạy cảm để khắc phục những sai sót không đáng có, hoàn thành đề án cải cách chương trình, sách giáo khoa đã được Quốc hội phê chuẩn và nhân dân kỳ vọng", ông Lai đề nghị.
Trả lời đại biểu Lê Văn Lai, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử không bị xem nhẹ mà được coi trọng hơn so với hiện hành. "Hiện học sinh THPT học 1,5 tiết Lịch sử cho một tuần, trong khi theo dự thảo học sinh không chuyên ban học bình quân 2,5 tiết, học sinh vào phân ban Khoa học xã hội học 4 tiết và tất cả những tiết này đều bắt buộc. Như vậy nội dung và khối lượng kiến thức Lịch sử tăng lên", Bộ trưởng dẫn chứng.
Tư lệnh ngành giáo dục giải thích, việc đưa Lịch sử tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc là theo chủ trương tích hợp, vì Luật quốc phòng an ninh cũng quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, quốc phòng. Ngoài ra, các môn học, chuyên đề như Văn học, Địa lý, Giáo dục âm nhạc, Mỹ thuật đều đề cập đến lịch sử. Ví dụ, trong Văn học khi giảng về Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập, nếu không gắn với lịch sử học sinh sẽ không hiểu bối cảnh. Dạy cảm thụ bài hát Câu hò bên bến Hiền Lương, Xa khơi, nếu không gắn với lịch sử thì học trò không hiểu.
"Như vậy trong dự thảo đang lấy ý kiến không có ý định giảm môn Lịch sử. Vấn đề thảo luận là để riêng môn Lịch sử hay để Lịch sử gắn bó với các môn học khác", Bộ trưởng giải trình.
Ngắt lời Bộ trưởng Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi của đại biểu: "Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm, có bỏ môn Lịch sử với tư cách môn học độc lập không?".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định "đây là việc hệ trọng", ban soạn thảo phải lắng nghe ý kiến rộng rãi của người dân, trên cơ sở đó sẽ có báo cáo tiếp thu, làm việc với nhiều ban ngành rồi mới báo cáo Thủ tướng. "Quan điểm của chúng tôi nếu tích hợp mà vẫn đảm bảo yêu cầu thì sẽ cho tích hợp. Bộ sẽ làm việc với các chuyên gia giáo dục để có kết luận cuối cùng", ông Luận nói.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Luận, đại biểu Lê Văn Lai tiếp tục lên tiếng: "Bộ trưởng cho rằng tích hợp là coi trọng hơn, rồi dẫn giải về thời lượng giảng dạy, nhưng đó chỉ là một khía cạnh. Còn những vấn đề như giáo viên có thể dạy môn tích hợp hay không, Bộ chuẩn bị như thế nào? Tôi chưa nhìn thấy sự chuẩn bị của Bộ Giáo dục".
Đại biểu Lai cho rằng hiện nay môn Lịch sử được dạy độc lập, bài bản nhưng vẫn có nhiều hạn chế, nhiều phòng thi THPT quốc gia vừa qua chỉ có một thí sinh. "Vậy khi chuyển sang cách dạy tích hợp mới thì có đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử? Theo cá nhân tôi là khó vì chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ, lại làm việc chưa có tiền lệ", ông Lai nói.
Đại biểu nghi ngờ việc giảm áp lực của kỳ thi THPT quốc gia
Đại biểu Nguyễn Thái Học nhận xét, kỳ thi THPT quốc gia 2015 đầy áp lực, tốn kém nhiều công sức, tiền của của nhân dân. Vấn đề này đã được nhiều bộ trưởng chất vấn tại kỳ họp thứ 9. Ngày 16/10, Bộ Giáo dục có báo cáo được đóng dấu treo gửi đến từng đại biểu, khẳng định kỳ thi THPT quốc gia đã giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh và gia đình.
"Dựa trên cơ sở nào Bộ Giáo dục khẳng định như vậy. Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được thay đổi như thế nào? Với tỷ lệ tốt nghiệp như hiện nay, cử tri đề nghị nên xét công nhận tốt nghiệp và giao cho các trường đại học tổ chức thi tuyển", đại biểu Thái Học nói và cho biết dù đã gửi câu hỏi chất vấn từ 6/11, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời của Bộ trưởng.
Tư lệnh ngành giáo dục cho biết, trước đây học sinh phải thi 3-4 đợt với rất nhiều môn. Năm 2015 các em chỉ phải thi một đợt, tối đa 8 môn và không phải đi về các thành phố lớn. Cách tổ chức thi cùng với cách ra đề thi kiểm tra năng lực làm cho việc luyện thi của các trung tâm ở thành phố giảm đi. Trước đây phao thi trắng sân trường, năm nay giảm hẳn. Như vậy kỳ thi đã thay đổi động cơ học tập, việc dạy, việc học trong các trường.
"Một số yêu cầu của trung ương đã được thực hiện bước đầu, là giảm áp lực, tốn kém, từng bước chuyển đổi việc dạy và học. Cơ sở đi đến kết luận này là việc tổng kết tại 63 tỉnh thành, Chính phủ cũng có hai phiên thảo luận", ông Luận nói.
Cho rằng câu trả lời chưa thuyết phục, đại biểu Nguyễn Thái Học chỉ ra bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia 2015: Trước đây thí sinh thi tốt nghiệp tại địa phương, nay đi xa hơn, có bố mẹ đi cùng, phải thuê xe, chỗ ở. Thí sinh thi xong lại hành trình ra các trường nộp hồ sơ vào, rút hồ sơ ra.
"Như vậy còn áp lực hơn, các em phải bước vào cuộc chơi được ví như chứng khoán. Tại sao Bộ không hỏi thí sinh, nhân dân xem kỳ thi vừa qua có giảm áp lực, tốn kém hơn không? Tôi cho là kỳ thi rất tốn kém và áp lực", đại biểu Thái học nhận định.
Bộ trưởng giải trình thêm, giảm tốn kém đã thấy rõ vì thí sinh vẫn thi ở địa phương. Còn về số lượng thí sinh rút, nộp hồ sơ, Bộ đã có thống kê trên máy tính, chỉ 8% thí sinh thay đổi nguyện vọng ở khoảng 30 trường và đây không phải là hiện tượng phổ biến.
Môn Lịch sử, Tiếng Việt - Văn học, Toán vốn được xem là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đây đưa ra chủ trương tích hợp môn Lịch sử vào các môn khác. Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc". Việc thay đổi này khiến các nhà sử học lo ngại thế hệ trẻ sẽ không hiểu về lịch sử cha ông, hoặc hiểu méo mó, sai lệch. |
Hoàng Thùy