Tốt nghiệp trường chuyên THPT Lam Sơn (Thanh Hóa), Ngô Nam Giang (20 tuổi) đậu vào một trong những trường đại học top đầu của Việt Nam.
Giang cho biết, khi chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng này, một phần do chưa xác định rõ niềm đam mê của bản thân, một phần vì định hướng từ gia đình nên đã chọn theo học ngành kinh tế tại Đại học Ngoại thương.
Đây là một trường đại học danh tiếng ở Việt Nam và là mơ ước của nhiều người, nhưng khi trở thành sinh viên của trường, sau một thời gian học tập, Giang không tìm được niềm vui cũng như đam mê của mình với ngành học.
Chàng trai cho biết, trong năm đầu tiên đại học, cậu sống cùng nhà với hai bạn sinh viên ngành Công nghệ thông tin của Học viện Bưu chính viễn thông. Mặc dù không phải là đam mê hay sở thích của mình nhưng khi thấy bạn mày mò và học được những ngôn ngữ lập trình mới mẻ từ máy tính, Giang bắt đầu tò mò.
Ngoài việc học ở lớp, những lúc rảnh rỗi, Giang tranh thủ mượn giáo trình của bạn nghiên cứu, sẵn máy tính, Giang tự mày mò thiết lập một số ứng dụng cơ bản. Lúc đầu tìm hiểu, chàng sinh viên chỉ muốn biết thêm những thủ thuật đơn giản để sử dụng máy tính và Internet hiệu quả hơn, nhưng càng biết nhiều, Giang lại mong muốn có thể lập trình và có kiến thức tốt hơn như những bạn cùng phòng.
"Tôi quyết định thay đổi ngành học trước khi quá muộn, để sau này không phải cảm thấy hối tiếc", Giang chia sẻ và cho biết, sau khi nghỉ học, nam sinh viên dành thời gian để tự trả lời những câu hỏi của bản thân, mình thật sự thích và phù hợp với ngành gì.
Ngoài sở thích, qua tìm hiểu, Giang cho rằng nhu cầu nhân lực IT cho tương lai là rất cao, và người học có nhiều lựa chọn công việc chứ không bó hẹp như nhiều ngành kỹ thuật khác nên cậu quyết định theo đuổi ngành này. Giang sau đó đã chọn du học tại Australia, ngành Khoa học máy tính.
Dù học ở một trong những đất nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới, nhưng Giang nhận thấy nhiều bạn khác có đam mê và theo đuổi lĩnh vực này từ khi còn học phổ thông nên có nền tảng vững chắc hơn. Ngoài ra, dù kiến thức nền tảng được học ở trường đại học là rất quan trọng, nhưng Giang nhận thấy nó vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế để làm việc. Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho bản thân những kỹ năng cần thiết, Giang đăng ký học thêm các chứng chỉ Công nghệ thông tin tại Đại học trực tuyến FUNiX (ở Việt Nam).
"Tuy những kiến thức ở FUNiX có thể tự học qua nhiều nguồn trên Internet, nhưng việc có những mentor hướng dẫn và một lộ trình học cụ thể chính là điều khác biệt và giá trị nhất khi học online ở đây. Điều này giúp cho việc học kiến thức mới trở nên nhanh hơn, cũng như học được tư duy và cách tối ưu hóa các công cụ lập trình từ những người đã có kinh nghiệm", Giang nói.
Để vừa hoàn thành chương trình học ở Australia vừa học ở FUNiX, ngoài việc học ở trường Giang tranh thủ thời gian nghỉ và buổi tối và cuối tuần để vào học online. Cậu dự định sẽ dành khoảng 20 giờ mỗi tuần để theo đuổi việc học trực tuyến.
Trong kế hoạch của mình, chàng trai gốc Thanh Hóa dự tính sẽ hoàn thành ít nhất chứng chỉ đầu tiên gồm Công dân số, Lập trình viên ứng dụng mobile và Lập trình viên ứng dụng doanh nghiệp. Sau đó, nam sinh này có thể học thêm các chứng chỉ còn lại với hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được công việc trong ngành hệ thống thông tin, dữ liệu, đúng với đam mê, sở thích của mình.
N.Loan