Hiện nay, nhiều học sinh phân vân trong việc chọn nghề, chọn trường phù hợp sau khi đã hoàn tất trung học phổ thông. Điều này dẫn đến việc số lượng lớn sinh viên cảm thấy chán nản, bỏ học giữa chừng hoặc ra trường không tìm được việc làm thích hợp, dễ rơi vào tình trạng bi quan, suy sụp tinh thần... và hơn hết là gây lãng phí lớn cho đất nước.
Tiến sĩ Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học phổ thông hiện nay rơi vào thực trạng thiếu biên chế, thiếu chuyên môn, thiếu chuyên trách, ít tương tác và không hiểu về thị trường lao động. Học sinh không được trải nghiệm, "nặng" sách vở, hình thức; phụ huynh chưa tham gia hoặc không biết, dẫn đến "giáo viên dạy một đằng, bố mẹ khuyên bảo một kiểu". Ngoài ra, do số giờ của hoạt động hướng nghiệp bị giảm, kết hợp vào nội dung của môn học khác nên học sinh không thích hướng nghiệp. Còn theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP HCM, xu thế chung của nhà tuyển dụng hiện nay thiên về kỹ năng thực tế, không quá đề cao bằng cấp.
Ngoài ra, tư vấn nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo nhân lực cũng không có cơ cấu tư vấn nghề nghiệp. Tư vấn không được bài bản, chưa đúng quy trình và việc cung cấp thông tin thị trường lao động không chính thống, thiếu thường xuyên. Do đó, tiến sĩ Lê Đông Phương khuyến nghị để học sinh là người ra quyết định về nghề nghiệp tương lai của mình. Bố mẹ, thầy cô là người chỉ cho các em thấy được khả năng thực sự, quan tâm của bản thân, hỗ trợ các em hiện thực hóa được lựa chọn của mình. Riêng môn giáo dục hướng nghiệp phải được thực hiện từ lớp 6, không đợi đến lớp 9 bởi cuộc chạy đua cho tương lai bắt đầu từ lớp một. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp không thể làm nửa vời như hiện nay, phải độc lập và tích hợp rõ ràng. Các trường trung học phổ thông cần phải được biên chế đội ngũ giáo viên hướng nghiệp, đào tạo bài bản, cập nhật thông tin liên tục...
Trong quý 4 năm 2013, nguồn lao động tìm việc chủ yếu là đại học chiếm 53,34%, trong khi cao đẳng tìm việc chỉ chiếm 25,17%. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường đều khó khăn khi đi tìm việc. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp chưa tìm ngay được việc làm phù hợp hoặc phải làm việc trái ngành nghề đào tạo vẫn tiếp tục phổ biến. Dự kiến quý 1 năm nay, TP HCM có khoảng 55.000 chỗ làm việc trống. Nhu cầu lao động có trình độ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng cần đến 35%, trong khi lao động có trình độ đại học và trên đại học chỉ cần 25%.
Ông Đào Đức Tuấn - Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, nói: "Định hướng ngành nghề để học sinh chọn được nghề phù hợp với năng lực sở trường là chủ trương và nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục - đào tạo". Hiện nay nhiều thí sinh chọn ngành không theo năng lực khiến khi học đại học các em không phát huy được thế mạnh của mình. Khi chọn trường, ngành học để dự thi, học sinh phải nắm được các thông tin cơ bản về ngành nghề, nhu cầu xã hội cũng như năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình.
Trước khi làm hồ sơ đăng ký dự tuyển, các thí sinh phải trả lời chính xác những câu hỏi cơ bản nhất về chính bản thân mình cũng như những vấn đề tâm lý có liên quan. Việc tìm hiểu về năng lực của cá nhân như chỉ số IQ (thông minh), EQ (cảm xúc) hay những khả năng cụ thể khác như sắc giác, chú ý (sức tập trung, sức phân phối...), quan sát, tư duy không gian, trí nhớ sơ đồ, tưởng tượng sáng tạo, ngôn ngữ... là những yêu cầu quan trọng.
Để xác định ngành nghề phù hợp với bản thân, bạn hãy bắt đầu từ sở thích, tính cách và điều kiện của mình. Bạn nên chọn ra những nghề thích hợp nhất để nghiên cứu và loại bỏ dần. Bạn có thể thực hiện những bài trắc nghiệm về nghề nghiệp. Dựa trên cơ sở năng lực, sở thích, quan điểm, nguyên tắc sống của bạn... các trắc nghiệm sẽ đưa ra những tư vấn và dự đoán về nghề nghiệp hoặc nhóm ngành nghề phù hợp. Tìm hiểu những đặc điểm tính cách, khí chất... của cá nhân cũng là một việc làm không kém phần quan trọng.
Chương trình hướng nghiệp học đường mới mang tên "Tư vấn hướng nghiệp học đường" sẽ lần lượt đến với các trường phổ thông trung học trên địa bàn TP HCM và các tỉnh thành lân cận với sự tài trợ của báo Giáo dục TP HCM và trường Đại học Văn Hiến. Thạc sĩ Đào Lê Hòa An sẽ tư vấn tâm lý, giúp các em học sinh trường trung học phổ thông Giồng Ông Tố hiểu rõ bản thân điều hòa giữa học và chơi và có những lựa chọn ngành phù hợp với khả năng.
Chương trình giúp đối tượng học sinh phổ thông trung học, đặc biệt là các học sinh cuối cấp hiểu rõ bản thân, tính cách của mình để từ đó có những định hướng nghề nghiệp tương lai rõ ràng, phù hợp với mỗi bạn. Qua những buổi giao lưu tại các trường trung học phổ thông, các học sinh sẽ thực hiện bài trắc nghiệm dựa trên bộ câu hỏi của tác giả Katharine Cook Briggs và con gái bà - Isabel Briggs - như một công cụ phân loại tính cách mỗi cá nhân một cách chính xác. Chương trình hiện được dịch sang tiếng Việt và đăng tải tại website www.gochocduong.vhu.edu.vn.
(Nguồn: Đại học Văn Hiến)