Dành nhiều tâm huyết cho giáo dục tiểu học, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, chữ đẹp là truyền thống của người Việt và cần phải giữ gìn. Rèn chữ là việc làm tự nhiên mà các trường và giáo viên phải chú trọng. Thầy cô không phải dạy trẻ viết như một cái máy mà phải giúp trẻ thấy yêu con chữ, từ đó tự xây dựng nét đẹp tâm hồn. Việc rèn chữ cho trẻ ở tuổi mầm non là không nên nhưng nội dung này cần phải làm cẩn thận khi các cháu học lớp 1, 2, 3. Trẻ phải được khuyến khích viết chữ đẹp, đúng quy chuẩn để tạo thành nếp ngay từ thuở bé.
“Có quan điểm cho rằng hiện nay có nhiều máy móc hỗ trợ nên không cần viết chữ đẹp. Nhưng khi nhận một bức thư, nhìn thấy chữ viết tay bao giờ cũng vui hơn vì trong đó còn có tình cảm của người viết. Hơn nữa, chẳng lẽ khi có ô tô, xe máy thì ta không dạy đứa trẻ cách bò, đi bộ?”, cha đẻ của trường tiểu học Thực nghiệm nói.
Ông cho rằng điều quan trọng là nhà trường và gia đình bố trí thời gian hợp lý để dạy trẻ luyện chữ đẹp, không để việc đó trở thành gánh nặng cho các em.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cũng phản đối đề xuất bỏ luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh bởi chữ thể hiện tính nết con người. Chữ đẹp, rõ ràng con người đó chỉn chu, còn viết ngoáy bao giờ cũng cẩu thả hơn. Khi viết một bài với nét chữ đẹp thì được nhiều người yêu thích, vì vậy, nếu tất cả mọi người đều rèn được chữ đẹp là điều tốt.
“Tôi từng đi dạy nên biết việc luyện chữ đẹp không mất nhiều thời gian. Chỉ khoảng 10 ngày là trẻ đã biết chia theo tỷ lệ chữ cao, thấp tròn và viết có trật tự. Việc luyện cho học sinh tính nhẩm nhanh cũng tốt vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến công việc sau này. Thế nên không thể nói dẹp là dẹp được mà cần phải tổ chức thực hiện như thế nào cho hợp lý”, PGS Nhĩ đề nghị.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội góp ý, không nên cực đoan chạy từ cực này sang cực khác, tức là không thể bỏ dạy luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh. Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã rất coi trọng nét chữ vì nó rèn luyện tính cẩn thận, kiên nhẫn, thẩm mỹ cho con người.
Tuy nhiên, theo GS Thuyết, thời gian qua, các trường đã đầu tư vào việc luyện chữ nhiều quá khiến phụ huynh phải cho con đi học ngày học đêm. Điều này là quá đà, dẫn đến quá tải cho các cháu. “Không để trẻ viết chữ cẩu thả, nguệch ngoạc nhưng cũng không nên mất quá nhiều thời gian vào việc này, vừa gây áp lực cho trẻ vừa không còn thời gian để dạy các cháu những nội dung bổ ích khác”, GS Thuyết nhận định.
Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng hiện nay tính nhanh đã có máy tính. Dù vậy, tính nhẩm nhanh lại là cách để rèn luyện đầu óc, trí thông minh và nhanh nhạy nên cũng rất cần thiết.
Là hiệu trưởng của trường phổ thông liên cấp, PGS Văn Như Cương hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh mà chỉ cần học sinh viết chữ dễ nhìn, không sai chính tả. Theo thầy Cương, việc dạy học sinh viết chữ cũng như yêu cầu những bài học khác, chỉ cần viết đúng, chuẩn, không sai theo mẫu, tất nhiên viết đẹp thì càng tốt.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đang yêu cầu học sinh viết vở sạch chữ đẹp nhưng chữ đẹp ở đây lại có ý nghĩa khác, đẹp nghĩa là nghệ thuật, là nét thanh nét đậm, là rồng bay phượng múa. Thực tế nhiều học sinh có khuynh hướng viết như vậy và nên khuyến khích các em. Nhưng không thể biến yêu cầu ấy thành đại trà. Học sinh chỉ cần viết đạt.
“Ngoài học trên lớp, học sinh còn đi luyện chữ đẹp ở các trung tâm, nhưng sau này không phải ai cũng trở thành người viết thư pháp, thành cụ đồ ở Văn Miếu. Vì vậy không nên bắt buộc và tạo áp lực cho tất cả trẻ trong việc luyện chữ”, thầy Cương nhắn nhủ.
Thầy Cương phân tích, tính nhẩm nhanh có trong chương trình học. Đó là việc áp dụng các quy tắc để tính toán nhanh hơn, ví như nhân một số với 11, nhân một số với 25. Kiến thức của môn học này có quy tắc riêng cho trường hợp cụ thể nên không thể luyện để áp dụng trong mọi trường hợp. Cũng có những học sinh tính nhanh hơn cả máy tính, cần khuyến khích. Và cũng như luyện chữ đẹp, không nên bắt tất cả học sinh phải mất thời gian rèn luyện việc này khi thực tế cuộc sống đã có nhiều công cụ hỗ trợ.
“Chữ đẹp, tính nhẩm nhanh không phải là tiêu chuẩn để đánh giá học sinh giỏi hay dốt, vì vậy không nên mất quá nhiều thời gian cho việc này. Hãy giảm bớt thời lượng và thay vào đó những nội dung quan trọng như đạo đức con người, ứng xử với người khác, các mối quan hệ, đối xử với môi trường…Chữ chỉ cần đúng mực, đúng chính tả, đúng ngôn từ. Hãy lập các câu lạc bộ để những em có năng khiếu phát huy tài năng”, thầy Cương kiến nghị.
Hoàng Thùy