Sáng 12/9, đi họp phụ huynh đầu năm, nhìn thông báo số tiền gần 3 triệu đồng phải đóng cho con đang học tại một trường tiểu học ở Đông Anh (Hà Nội), chị Hoàng Linh phát hoảng. Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng người mẹ này không thể hình dung mức tiền phải nộp cao như vậy. Đây mới là khoản thu đầu năm của con gái út, cùng đợt này vợ chồng chị phải nộp tiền trường cho 2 người con đang học cấp hai và đại học.
Trong số khoản thu năm nay, chị Linh ngạc nhiên nhất là 543.000 đồng cho 15 tháng bảo hiểm y tế. “Một năm có 12 tháng, tại sao thu bảo hiểm đến 15 tháng? Với những cháu sắp chuyển cấp thì 15 tháng bảo hiểm sẽ được tính thế nào”, chị Linh thắc mắc và cho hay khoản thu 100.000 đồng bảo hiểm thân thể, cô giáo nói "là tự nguyện, nhưng thực tế bắt buộc vì học sinh cả trường, cả huyện đều tham gia nên học sinh lớp mình không thể không đóng".
Đồng ý nộp 550.000 đồng tiền mua điều hoà, đóng thêm tiền mua máy chiếu để con được học tập với đầy đủ thiết bị, nhưng chị Hoàng Linh không chấp nhận khoản 180.000/năm tiền sổ liên lạc điện tử. Các năm trước, mỗi kỳ học chị chỉ nhận được vài ba thông báo của trường. Tiền quỹ lớp bị trích 30% để mua quà chúc mừng nhà trường mỗi dịp lễ Tết, tiền học thêm đầu năm hơn 300.000 đồng/15 buổi/2 tiếng, tiền bút chì, thước, mực để riêng trên lớp 190.000 đồng/năm là những khoản thu khiến chị Linh bức xúc.
Chưa đến buổi họp phụ huynh để thông báo các khoản thu chi đầu năm, nhưng chị Hạnh có con học tại một trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội) đã nhận được giấy báo nộp trước hơn 1,6 triệu đồng, trong đó nhiều khoản thu theo quy định là tự nguyện như: bảo hiểm thân thể, tài liệu tiếng Anh. Giấy báo nêu rõ: “Phụ huynh cộng số tiền học sinh phải đóng rồi để đủ số tiền vào phong bì nộp cho giáo viên chủ nhiệm”.
Ngày 11/9, chị Lan cũng nhận được giấy báo nộp trước một số khoản thu đầu năm của một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), trong đó tiền bảo hiểm thân thể và bảo hiểm y tế là hơn 600.000 đồng. Chị Lan thắc mắc bởi bảo hiểm y tế bắt buộc đang được các bộ Tài chính, Y tế, Giáo dục xem xét lại, nhưng sao các trường đã thu ngay.
“Năm ngoái con tôi phải đóng 700.000 đồng quỹ lớp cho một kỳ học, nhưng 60% số tiền đó chi vào việc ngoại giao của ban giám hiệu nhà trường, cán bộ, giáo viên. 40% còn lại mới để chi cho việc học của các con. Nhiều phụ hunh rất bức xúc”, chị Lan nói và cho biết, đã chuẩn bị sẵn tinh thần để sáng mai họp phụ huynh sẽ nhận được tiếp thông báo tiền đầu năm, trong đó khả năng những khoản thu gây bức xúc vẫn không giảm.
Chị Thanh Nga có con gái đang học tại trường cấp 3 ở quận Hai Bà Trưng cho biết, sau lần họp phụ huynh đầu năm, chị đã phải đóng 1,9 triệu đồng, trong đó quỹ lớp học kỳ 1 là 1,1 triệu đồng, quỹ trường 50.000 đồng, bảo hiểm y tế 289.000 đồng, bảo hiểm thân thể 80.000 đồng...
"Mới là vài khoản đóng góp đầu tiên nhưng đã tốn gần 2 triệu đồng. Gia đình điều kiện khá giả thì không là gì, nhưng những phụ huynh chỉ làm công nhân thì quả thực rất khó khăn. Tôi băn khoăn tại sao bảo hiểm y tế là bắt buộc rồi, lại còn thêm bảo hiểm thân thể", chị Nga nói.
Có hai con học tiểu học và THCS, sau cuộc họp phụ huynh đầu năm, chị Thanh Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) “méo mặt” vì khoản thu mỗi đứa đã hết lương cơ bản một tháng của hai vợ chồng. "Chỉ tiền quỹ lớp tôi phải đóng 1,5 triệu đồng, cộng thêm các khoản như bảo hiểm y tế, sổ liên lạc điện tử, quỹ trường... đã hơn 2 triệu đồng", chị cho hay.
Ngoài các khoản thu "truyền thống" như quỹ trường, quỹ lớp ghi là tự nguyện nhưng hầu hết phụ huynh đều biết là bắt buộc, trường còn chẻ thêm khoản "đồng phục vở". Trước ngày khai giảng, chị Hồng đã mua cho con 40 cuốn vở dùng dần, nhưng khi nhập học cô giáo yêu cầu dùng toàn bộ vở in tên trường, mỗi cuốn giá 9.000 đồng. "Đây là khoản thu vô lý", chị Hồng nói.
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo quyết định 51 của UBND Hà Nội về thu, sử dụng các khoản thu trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì có 10 khoản cha mẹ phải đóng góp vào đầu năm học.
10 khoản thu gồm: Bán trú trong các trường có tổ chức học (tiền ăn, chăm sóc và trang thiết bị); Học 2 buổi/ngày trong các trường tiểu học, trung học cơ sở; Học phẩm học sinh trong các trường mầm non; Nước uống tinh khiết; Bảo hiểm y tế; Dạy thêm, học thêm trong các trường THCS, THPT; Viện trợ, quà biếu, tặng cho; Tài trợ theo thông tư 29 của Bộ Giáo dục; Đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường; Quần áo đồng phục, quần áo thể thao, phù hiệu.
Một số nội dung thu có quy định mức trần cụ thể như chăm sóc bán trú, trang thiết bị bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm mầm non, nước uống tinh khiết, dạy thêm học thêm trong nhà trường. Các khoản thu này cũng phải được thỏa thuận bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh.
Từ ngày 8/9 đến hết tháng 10, Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức 21 đoàn kiểm tra rà soát các điều kiện phục vụ cho năm học mới như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên..., đặc biệt là các khoản thu đầu năm của các trường. Đây cũng được coi là một biện pháp để ngăn chặn lạm thu đầu năm.
"Những trường hợp cố tình không thực hiện đúng quy định, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm", lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Nội khẳng định.
Quỳnh Trang - Lan Hạ