Chiều 17/6, tại tọa đàm báo chí về công tác của ngành Lao động Thương binh và Xã hội 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã có ý kiến về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị giao dạy nghề về Bộ này.
"Chính phủ thấy việc quản lý dạy nghề ở cơ quan nào góp phần phát triển thị trường lao động, kinh tế xã hội của đất nước thì sẽ quyết định. Bộ thực hiện theo quyết định của Chính phủ", bà Lan nói.
Theo Thứ trưởng Lan, nếu Chính phủ tiếp tục giao dạy nghề cho Bộ Lao động thì cơ quan này sẽ tiếp tục kế thừa kinh nghiệm của 42 năm quản lý lĩnh vực, cũng như khắc phục khó khăn, đáp ứng cao hơn nữa yêu cầu thị trường lao động, cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Bà Lan cho biết, dạy nghề có hơn 60 năm phát triển thì 9 năm thuộc Chính phủ quản lý, 11 năm thuộc Bộ Giáo dục và 42 năm thuộc Bộ Lao động. Trong thời gian Bộ Lao động quản lý, lĩnh vực này đã khôi phục và phát triển, gắn chặt với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, gắn với giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm tờ trình gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, kiến nghị Chính phủ giao Bộ này quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, kể cả trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện thuộc quản lý của Bộ Lao động.
Theo Bộ Giáo dục, nên "thu về một mối" bởi hai cơ quan phân chia nhau quản lý khiến hiệu quả đầu tư thấp và dàn trải. Các quy chế về tuyển sinh, đào tạo, kiểm định, tiêu chuẩn giáo viên, quản lý học sinh sinh viên, hợp tác quốc tế… cả hai Bộ đều làm riêng, vừa tốn kinh phí trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vừa chồng chéo các văn bản quản lý nếu một trường vừa đào tạo nghề vừa đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
Một hệ quả nữa mà Bộ Giáo dục nêu ra là một số đại học đào tạo nghề với quy mô 6.000-7.000 người nhưng ngành lao động quản lý chỉ tiêu nên Bộ không thể can thiệp để kiểm soát chất lượng thông qua kiểm soát quy mô đào tạo.
Phương Hòa